Ngày 5/9/2008, một tháng sau khi Hà Tây chính thức sáp nhập vào Hà Nội, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 240/TB-VPCP (ban hành kèm theo danh sách danh mục các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư được triển khai) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả rà soát cácn đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng. Từ khi Thủ tướng chấp thuận cho 30 dự án thuộc nhóm Ia được triển khai, đến nay UBND Thành phố Hà Nội đã trải qua ba đời chủ tịch nhưng các dự án này vẫn … đứng hình, không biết bao giờ tiếp tục được khởi động lại.
Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho phép 30 dự án (dự án nhóm Ia) được triển khai và 107 dự án (nhóm I b) tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh về nội dung quy hoạch (dự án nhóm Ib).
Văn bản số 240/TB-VPCP yêu cầu UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch, đã thực hiện đầy đủ thủ tục, quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố được tiếp tục triển khai. Đối với các dự án còn lại, cần hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện, bổ sung các nội dung theo đúng quy định, bảo đảm tính thống nhất, gắn kết, hài hoà giữa các dự án và phù hợp với chức năng của không gian đô thị được quy hoạch.
30 dự án thuộc nhóm 1a đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội được xem là những dự án trọng điểm của thành phố. Đa phần các dự án này có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, được kỳ vọng là những khu đô thị hiện đại, đáng sống… như Khu đô thị Dầu khí Đức Giang Đơn (huyện Hoài Đức, Hà Nội), dự án Khu dịch vụ - Du lịch Phú Cường tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, dự án Khu đô thị Làng Thời Đại với quy mô 149,83 ha tại Thị trấn Xuân Mai … Theo khảo sát, đến nay các dự án này vẫn không thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai theo quy định.
Thế nhưng, mặc cho Thủ tướng có chỉ đạo như vậy, nhưng kể từ năm 2008 đến nay, các dự án vẫn nằm trên giấy, dậm chân tại chỗ.
Nhà đầu tư cho rằng, nguyên nhân dự án không thể triển khai là bởi UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi Thủ tướng chấp thuận cho các dự án này triển khai thì UBND TP Hà Nội phải có văn bản đốc thúc, hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án theo yêu cầu của Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến nay đã 13 năm trôi qua, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo, doanh nghiệp đã gửi hàng loạt văn bản, thậm chí cả đơn kêu cứu nhưng UBND TP Hà Nội vẫn không có văn bản hướng dẫn các thủ tục pháp lý để các sở ngành, doanh nghiệp áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo quy định, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho dự án triển khai thì UBND TP Hà Nội phải có văn bản hướng dẫn để nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, suốt 13 năm qua, Hà Nội vẫn cứ rà soát kéo dài mà không có quyết định chính thức để nhà đầu tư làm theo. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc các dự án chậm trễ thực hiện thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội.
Các doanh nghiệp bức xúc cho rằng, UBND TP Hà Nội đã thiếu sự sát sao, chưa làm tròn trách nhiệm khi để 30 dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua bị đình trệ kéo dài suốt 13 năm qua và chưa biết bao giờ được tái khởi động để hoàn thiện. Việc doanh nghiệp mạnh ai người ấy lo thủ tục mà chưa có sự vào cuộc kịp thời từ UBND TP Hà Nội đã dẫn đến hệ lụy dự án nằm bất động suốt thời gian dài, gây lãng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn lực xã hội.
Hiếu Nguyễn