Hôm qua (31/1), trên Diễn đàn OtoFun, tiếp tục lan truyền câu chuyện về nạn "chặt chém" giá ở một quán ăn ven đường khu vực cầu Hồng Phú, Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đây là một địa điểm "khét tiếng" về lừa gạt, bán hàng với giá "cắt cổ" trong nhiều năm nhưng chính quyền khu vực đã không xử lý.
Mấy ngày vừa qua, người dân liên tiếp phản ánh về nạn "chặt chém" giá các món ăn ở một số quán ăn quanh khu vực cầu Hồng Phú, Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nhân việc này, nhóm khách hàng là nạn nhân của vụ "chặt chém" giá đã đăng tải trên Diễn đàn OtoFun về tờ phiếu ăn nhớ đời của họ.
Cụ thể, theo giấy thanh toán của một nhóm khách: 22 bát phở được tính giá 200 ngàn đồng/bát, 22 cốc trà đá giá 20 ngàn đồng/cốc, 2 chai nước ngọt C2 được tính 80 ngàn đồng/chai. Tổng cộng nhóm khách phải trả tới 5 triệu đồng.
Tình trạng "chém" giá trên diễn ra nhiều năm nay ở các quán ven đường khu vực Hồng Phú, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, nằm trên quốc lộ 1A cũ đoạn đường sắt cắt chéo đường 1 cũ. Theo nhiều người dân Hà Nam và những người đã từng là nạn nhân của nạn "chặt chém" này thì tình trạng này phải kéo dài khoảng 20 năm nay.
Các quán trên nằm ở khu vực thường là chỗ dừng, nghỉ của nhiều phương tiện giao thông chở khách sau khi đi một quãng đường dài cho nên, nhiều người đi đường không biết, hay chọn làm điểm ăn uống. Mặc dù, các quán ăn "khét tiếng" về việc tính giá quá đắt đỏ nhưng không phải ai cũng biết điều này.
Theo một người từng là khách hàng của một quán ăn ở đây, mặc dù đã lường trước việc bị tính giá cao nên đã mặc cả giá trước khi gọi đồ ăn, uống. Nhưng cuối cùng họ vẫn bị tính giá đắt.
Một giấy thanh toán không ghi rõ ngày tháng, ký tên được cho là của một quán ăn tại khu vực trên |
"Ví dụ, một đoàn vào ăn, một người đứng ra hỏi thì chủ quán nói 25 ngàn đồng/bát phở. Tuy nhiên khi ăn xong, họ chỉ tính tiền 25 ngàn đồng/bát còn các bát còn lại tính 200 ngàn đồng", anh Trịnh Văn Giang, một người đã từng ăn ở một quán ăn trên cho biết.
N.K.V, một khách hàng khác, cho biết: "Có quán hỏi giá bát phở, họ bảo 20 ngàn đồng nhưng đến khi trả tiền thì nói, chưa tính 50 ngàn đồng thịt bò".
"Thậm chí, có chỗ còn tính một cốc nước mía 100 ngàn đồng. Khi mình hỏi giá thì chủ quán nói 10 ngàn đồng/cốc. Nhưng sau đó họ bảo, chưa tính 90 ngàn đồng tiền đá", anh Nguyễn Thế Chính (Hà Nội) cho biết.
Dẫu vậy, tình trạng này chỉ diễn ra ở các quán ăn ở khu vực trên. Theo một số người dân ở đây thì việc "chặt chém" khách chủ yếu là ở các quán từ ga Phủ Lý đến khu vực cầu Hồng Phú, đoạn giao cắt đường sắt Bắc Nam với tuyến đường rẽ đi Nam Định.
"Ngoài khu vực trên, giá cả các chỗ khác là bình thường. Thậm chí có chỗ rất rẻ. Chỗ đó họ chặt chém như vậy thì ngày bán được vài bát phở đã đủ sống. Họ mặc định là những khách ở đây đến một lần là không bao giờ trở lại", một cư dân ở gần đó cho biết.
Một số người đã từng là khách hàng bất đắc dĩ các quán ăn trên cho biết, khi trả tiền, nếu như họ phản ứng mạnh thì ngay lập tức chủ quán đổi giọng đe dọa hoặc xuất hiện những đối tượng lạ mặt, có người xăm trổ đến để gây sức ép, đe dọa nếu không trả tiền đầy đủ như yêu cầu.
Được biết, giữa năm 2016, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền câu chuyện thực tế về một nhóm thanh niên đi phượt, dừng lại ăn tại đây cũng bị tính giá "cắt cổ" tương tự như trên. Nhóm này cũng báo cơ quan công an Phủ Lý đến làm việc với quán nhưng cơ quan công an đã không giải quyết.
Do đó, nhiều người cho rằng, cả một hệ thống cơ quan quản lý có trách nhiệm ở khu vực này: công an, quản lý thị trường đã bị vô hiệu hóa và bị nghi ngờ là đã nhận "bảo kê" cho các quán ăn trên.