+Aa-
    Zalo

    Hà Giang: Hỗ trợ người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, các chính sách và dự án giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo ở Hà Giang đã tạo điều kiện cho người nghèo quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

    Hà Giang được biết đến là tỉnh miền núi biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc với địa hình phức tạp, giao thông chia cắt, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế. Những năm qua, các nguồn kinh phí trợ cấp từ ngân sách Trung ương cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Giang đã phần nào hỗ trợ được bà con dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống. 

    Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2%). Trong đó, 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34,0%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6,0%); riêng huyện Bắc Mê (huyện mới bổ sung vào huyện nghèo 30a từ năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.

    76

    Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả tạo thu nhập cho người dân địa phương

    Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Hà Giang được đầu tư 151,771 tỷ đồng để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (tiền giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng), gồm: giống ngô, đậu tương, lạc, hồng không hạt, cây lê, cây dược liệu, phân bón, giống lợn, dê, bò, bồ câu... có năng suất và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, mua giống trồng cỏ để chăn nuôi gia súc; tập huấn khuyến nông… cho gần 112.000 lượt hộ nghèo hưởng lợi; tổ chức dạy nghề cho 8.157 lao động nông thôn và hỗ trợ giống cây tam giác mạch để thu hút khách du lịch đến với các địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn được hỗ trợ đầu tư 18,832 tỷ đồng, giao cho 7 huyện nghèo xây dựng 65 mô hình giảm nghèo nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà đen theo hình thức luân chuyển và có thu hồi cho 1.546 hộ nghèo hưởng lợi.

    Là tỉnh có đông đồng bào DTTS với trên 75 vạn người và 5 DTTS rất ít người, hầu hết bà con sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú ở vùng cao, núi đá. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước triển khai đồng bộ các chính sách dành cho hộ nghèo, người nghèo vùng đặc biệt khó khăn, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Quyết định 2085 và 2086… đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 26,73%. Trong đó, đáng chú ý như thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người, giai đoạn 2016 - 2025 đã hỗ trợ sản xuất cho 1.085 hộ mua giống, phân bón, vật tư; mua gia súc, vắc xin; tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, nâng tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh lên 46,6%; hỗ trợ các tổ hợp tác của dân tộc Phù Lá, thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) phát triển sản xuất hiệu quả.

    Bên cạnh đó, thực hiện công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc theo chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ trang thiết bị cho 40 nhà sinh hoạt cộng đồng; mua sắm nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc; bảo tồn nghề truyền thống tiêu biểu của dân tộc Pà Thẻn và Phù Lá; duy trì hoạt động các đội văn nghệ tại thôn, bản; hỗ trợ nhân dân học tiếng dân tộc Pu Péo, Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn. Hỗ trợ bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Pà Thẻn, Phù Lá. Hỗ trợ hoạt động lễ hội truyền thống, như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng ngô mới huyện Mèo Vạc; Ngày hội Văn hóa và Tết lúa mới dân tộc Bố Y; Lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn.

    Ngoài ra, công tác bình đẳng giới ở vùng DTTS rất ít người cũng được Hà Giang quan tâm đúng mức. Trung bình mỗi hộ DTTS được hỗ trợ khoảng 26 triệu đồng, đã tác động tích cực đến kinh tế hộ, góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Hộ nghèo, cận nghèo theo đề án được phê duyệt là 1.336 hộ; đến nay, đã giảm được 252 hộ.

    Thực hiện Chương trình 135, nguồn vốn Trung ương cấp cho tỉnh trên 230 tỷ đồng, được sử dụng vào đầu tư xây dựng 184 công trình ở các huyện vùng cao. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các hộ DTTS mua trâu, bò sinh sản, gia súc, gia cầm; cây trồng, vật tư, xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi… cho hơn 9.000 hộ. Trong đó, triển khai được 27 mô hình nuôi trâu, bò, dê sinh sản. Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, tỉnh đã hỗ trợ cho 3.146 hộ trên địa bàn 10 huyện mua téc đựng nước, nâng tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 84,7%.

    Qua nhiều năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được bà con đánh giá đây là chương trình hợp lòng dân. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn.

    Có thể nói, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình thực hiện, MTTQ các cấp luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như giám sát thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi. Do đó, các chính sách được chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều thành quả. Tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cụ thể: Hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm nghiệp, hộ tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Nhờ những việc làm nêu trên, Hà Giang hiện từng bước xóa đói, giảm nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 4 đến 6% tỷ lệ hộ nghèo. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 7.010 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 31,17%, trong đó, sáu huyện nghèo 30a giảm còn 46,25%.

    Cùng với đó, tỉnh đã và đang tập trung nghiên cứu các giải pháp về xóa đói giảm nghèo, các mô hình sản xuất hàng hóa, cây trồng trong nông nghiệp, mô hình phát triển du lịch bền vững trên công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-giang-ho-tro-nguoi-dan-toc-thieu-so-vuon-len-thoat-ngheo-a596301.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hà Giang: Thúc đẩy khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số

    Hà Giang: Thúc đẩy khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số

    Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có diện tích 7.884,37 km2, dân số 871.401 người (2020), với trên 20 dân tộc sinh sống. Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam. Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển so với các vùng, miền khác, tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Một trong các lĩnh vực được tỉnh hết sức quan tâm là khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là cho thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS).