(ĐSPL) - Khẩu đại bác lớn nhất thế giới chính là khẩu "Gustav Gun" được công ty Friedrich Krupp AG chế tạo năm 1941 tại Essen, Đức Quốc xã.
|
Với cỡ nòng 800 mm và bắn ra quả đạn nặng tới 7,5 tấn, “Gustav Gun” chính là khẩu đại bác lớn nhất thế giới từ trước đến nay. |
Phát huy truyền thống đặt tên đại pháo theo tên các thành viên gia đình, “Gustav Gun” được mang tên người đứng đầu gia đình Krupp - Gustav Krupp von Bohlen und Halbach.
Vũ khí chiến lược “Gustav Gun” được chế tạo theo lệnh của trùm phát xít Adolf Hitler, với mục đích nghiền nát pháo đài Maginot bảo vệ biên giới Pháp. Để thực hiện điều này, công ty Friedrich Krupp AG đã thiết kế một khẩu đại pháo khổng lồ đặt trên đường ray, nặng 1.344 tấn với cỡ nòng 800 mm. Khẩu đội điều khiển đại pháo này bao gồm 500 người và đặt dưới sự chỉ huy của một…Thiếu tướng.
Một quả đạn nặng hơn 7,5 tấn
Sử dụng liều thuốc phóng không khói có trọng lượng lên tới gần 1,4 tấn, “Gustav Gun” bắn phá bằng hai loại đạn đại bác: một loại nặng hơn 4,8 tấn (10.584 cân Anh) chứa thuốc nổ có sức công phá lớn (HE) và loại thứ hai nặng hơn 7,5 tấn (16.540 cân Anh) chuyên khoan phá công sự bê tông cốt thép. Hố đạn do đầu đạn HE gây ra có đường kính khoảng 10 m và sâu cũng chừng 10 m, trong khi loại đầu đạn khoan phá bê tông cốt thép có thể xuyên thủng khối bê tông dày 87 m (264 feet), trước khi phát nổ. Tầm bắn tối đa của loại đạn HE là 23 dặm và của loại đạn xuyên bê tông là 29 dặm. Vận tốc đầu nòng của trái đại bác là 900m/giây.
Trong năm 1939, trùm phát xít Hitler và Bộ trưởng Bộ Vũ khí Đức Quốc xã Albert Speer đã đặt Công ty Friedrich Krupp AG chế tạo 3 khẩu đại pháo loại này. Sau một loạt các thử nghiệm, đến năm 1941, quân đội Đức Quốc xã đã đưa “Gustav Gun” vào biên chế chiến đấu.
Để phù hợp với truyền thống của công ty, Friedrich Krupp AG không tính chi phí chế tạo cho khẩu đại pháo đầu tiên là “Gustav Gun” mà tính giá 7 triệu Mark Đức (DM) cho khẩu thứ hai mang tên Dora, tên vợ của tổng công trình sư chế tạo đại pháo.
Đức Quốc xã dùng "Gustav Gun" bắn phá Sevastopol
Do nước Pháp thất thủ trong năm 1940 mà không cần đến sự hỗ trợ của “Gustav Gun”, quân đội Đức Quốc xã buộc phải tìm kiếm mục tiêu mới cho loại đại pháo khổng lồ này. Kế hoạch sử dụng “Gustav Gun” để phá hủy pháo đài của Anh ở Gibraltar đã bị hủy bỏ, do Tướng Franco không cho phép khẩu đại pháo này bắn từ đất Tây Ban Nha. Như vậy, đến tháng 4/1942, quân đội Đức Quốc xã đã phải dùng “Gustav Gun” bắn phá thành phố cảng Sebastopol của Liên Xô. Dưới sự bắn phá của “Gustav Gun” và các loại pháo hạng nặng khác, các pháo đài mang tên Stalin, Lenin và Maxim Gorki lần lượt sụp đổ. Một quả đại pháo bắn từ “Gustav Gun” đã phá hủy một kho đạn của Liên Xô nằm sâu 33 mét dưới Vịnh Severnaya và suýt bắn chìm một chiếc tàu lớn ở bến cảng. “Gustav Gun” đã bắn 300 viên đạn đại bác trong cuộc bao vây công phá Sevastopol.
Trong khi đó, đại pháo Dora được đặt ở phía tây Stalingrad vào giữa tháng 8/1942, nhưng quân đội Đức Quốc xã đã vội vã thu hồi trong tháng 9/1942 để tránh bị rơi vào tay Hồng quân Liên Xô. Sau đó, “Gustav Gun” lại được đặt ở ngoại ô thủ đô Varsaw của Ba Lan, nơi nó đã bắn 30 viên đạn vào Varsaw Ghetto trong cuộc nổi dậy năm 1944.
|
“Gustav Gun” đã bị quân đội Mỹ tịch thu trong trạng thái nguyên vẹn gần Metzendorf, Đức, vào tháng 6/1945. |
Đại pháo Dora đã bị quân Đức phá hủy trong tháng 4/1945 gần Oberlichtnau (Đức) để tránh bị rơi vào tay Hồng quân Liên Xô. Khẩu đại pháo thứ 3 chưa hoàn chỉnh thì bị quân đội Anh phá hủy, khi đánh chiếm nhà máy chế tạo ở Essen. “Gustav Gun” đã bị quân đội Mỹ tịch thu trong trạng thái nguyên vẹn gần Metzendorf, Đức, vào tháng 6/1945. Không lâu sau, “Gustav Gun” đã bị quân đội Mỹ tháo dỡ, cắt rời.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gustav-gun-khau-dai-phao-lon-nhat-the-gioi-a49241.html