+Aa-
    Zalo

    GS, Viện sĩ Nga nói về nhiệm vụ giữ gìn thi hài CT Hồ Chí Minh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 28/8/1969, khi bệnh tình Bác Hồ trở nên rất nặng, Viện sĩ Lô-pu-tin đã cùng 4 chuyên gia Liên Xô đầu tiên sang Hà Nội để theo dõi, nắm các nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác Hồ. Chính ông là phẫu thuật viên chính ướp bảo quản thi hài Bác.

    Nhân dịp kỷ niệm 45 năm giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đoàn công tác do Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng làm trưởng đoàn, sang Nga tổ chức buổi gặp mặt, tri ân các chuyên gia y tế Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay đã có nhiều công lao trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Tại buổi gặp này, nhiều nhà khoa học Nga đã phát biểu bày tỏ tình cảm với Bác Hồ và đất nước ViệtNam. Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc, ý kiến của Giáo sư, Viện sĩ Lô-pu-khin I-u-ri Mi-khai-lô-vích. Năm nay Giáo sư Lô-pu-khin 90 tuổi. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va số 2, nhà phẫu thuật tạo hình hàng đầu của Nga. Ngày 28/8/1969, khi bệnh tình Bác Hồ trở nên rất nặng, Viện sĩ Lô-pu-tin đã cùng 4 chuyên gia Liên Xô đầu tiên sang Hà Nội để theo dõi, nắm các nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác Hồ. Chính ông là phẫu thuật viên chính ướp bảo quản thi hài Bác. Tâm sự về “nhiệm vụ đặc biệt”, ông cho biết:

    “Vào cuối tháng 8/1969, cố Viện sĩ Đê-bôp Xéc-gây Xéc-gây-ê-vich, nguyên là Viện trưởng Viện Lăng Lê-nin gọi điện thoại cho tôi và nói: “Anh chuẩn bị đi cùng với chúng tôi sang Việt Nam”. Hồi đó thì khó có thể giữ bí mật được, bởi tất nhiên là chúng tôi biết vì được thông báo là sang Việt Nam công tác.

    GS, Viện sĩ Nga nói về:  Giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Các chuyên gia Nga đã tham gia “nhiệm vụ đặc biệt” . 

    Chúng tôi bay qua Calcuta, Taskent và tới Việt Nam vào ban đêm. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh một cái hồ lớn. Trong mấy ngày đầu chúng tôi chỉ được phép ra ngoài phố khi trời đã tối, còn ban ngày thì không được phép. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh buộc phải như vậy. Chúng tôi không rõ Chính phủ Việt Nam sẽ quyết định ướp thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh hay quyết định chôn cất Người, hay sẽ tiến hành ướp tại Mat-xcơ-va. Cuối cùng, chúng tôi cũng được rõ là phía Việt Nam đã chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tiến hành ướp thi hài ngay tại Việt Nam, tại Viện Quân y 108. Đồng chí Phó Giám đốc Viện Quân y trực tiếp điều hành công tác chuẩn bị tương đối đầy đủ cho công việc phức tạp, khó khăn này.

    Công việc ướp không hề đơn giản, bởi cần phải biết về các vấn đề lý- hóa, đồng thời các thao tác phải rất khéo léo, tỉ mỉ để đảm bảo thẩm mỹ. Tôi nhắc lại là công việc này không hề đơn giản chút nào. 7 ngày sau khi chúng tôi bay sang Việt Nam thì đoàn được gọi đến Viện Quân y 108. Lúc đó, chúng tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần.

    Trong căn phòng lúc đó có rất nhiều người. Đê-bôp Xéc-gây Xéc-gây-ê-vich nói với chúng tôi “Bắt đầu thôi!” và chúng tôi bắt tay vào việc ướp thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng quy trình cần thiết. Đó là thời điểm căng thẳng đối với tôi. Thi hài trông như đang ngủ, được đặt lên trên bàn, có đèn chiếu sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ở độ tuổi 79, tuổi đã già. Công tác ướp đã thành công, thi hài trông rất tốt, giữ được nguyên vẹn nét đặc trưng, đó là giai đoạn I. Công việc kéo dài khoảng 4 - 5 giờ, do phải làm rất cẩn thận để cố định, rửa sạch các thành mạch và các việc của giai đoạn ướp ban đầu. Vậy là kết thúc giai đoạn I. Mấy ngày tiếp theo đó, chúng tôi tiếp tục bơm dung dịch vào thành mạch. Thực chất của việc bơm là làm sao để các tổ chức trong thi thể phải ngấm được một lượng dung dịch nhất định, tạo được một môi trường bên trong thi thể, lúc đó thi thể sẽ không bị xẹp, mà giữ nguyên như khi còn sống. Và quả thật công việc đã thành công.

    Sau đó chúng tôi phải đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Hội trường Nhà Quốc hội để tổ chức Quốc tang. Đã phải chuẩn bị rất tỉ mỉ cho việc đó. Thi hài Bác Hồ được đặt trong quan tài kính nhỏ, mọi người đi xung quanh để tiễn biệt Chủ tịch. Trong những ngày Quốc tang, thi hài đã được bảo quản rất cẩn thận bởi có hàng nghìn người đến viếng, thời tiết thì nắng, nóng, rất dễ xảy ra thay đổi nào đó trong thi hài. Sau 3 - 4 ngày Quốc tang kết thúc, thi hài Bác Hồ được đưa trở lại Viện Quân y 108. Đó là những ngày đầu tiên của giai đoạn ướp thi hài. Cần một thời gian để thi hài Bác ngấm hoàn toàn dung dịch ướp. Tất cả các nét đặc trưng của Người phải được giữ nguyên vẹn. Chúng tôi đã làm được điều đó. Quả là một điều đáng ngạc nhiên. Chúng ta đều biết là người chết thì diện mạo bên ngoài thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, mục đích của việc chỉnh sửa là không làm thay đổi diện mạo của thi hài như khi Người còn sống. Đầu tiên là chỉnh để mí mắt không bị trũng sâu. Bằng mắt thường kiểm tra thấy kết quả thật tốt, thi hài cũng như diện mạo của người đều tốt.

    Sau này, chúng tôi giữ gìn thi hài Người ở khu vực K9 lúc đó còn trong bí mật. Sau 30 năm tôi trở lại Việt Nam, thăm viếng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi ngạc nhiên khi thấy thi hài được giữ gìn rất tốt. Đó quả là một thành tựu rất đáng kể.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gs-vien-si-nga-noi-ve-nhiem-vu-giu-gin-thi-hai-ct-ho-chi-minh-a47310.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan