+Aa-
    Zalo

    Góc khuất sau tội ác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có những vụ án tày trời, song số phận éo le cùng hoàn cảnh xô đẩy đến hành vi phạm pháp của hung thủ cũng khiến người ta không khỏi suy ngẫm – Ths. Luật sư Đặng

    (ĐSPL) - Có những vụ án tày trời, song số phận éo le cùng hoàn cảnh xô đẩy đến hành vi phạm pháp của hung thủ cũng khiến người ta không khỏi suy ngẫm – Ths. Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ một vụ án như thế.

    Một buổi chiều cuối mùa hạ, tiếng gõ cửa dồn dập phá tan bầu không khí tập trung của văn phòng, khách hàng bước vào là một người phụ nữ đã bước qua tuổi tứ tuần. Gương mặt nhợt nhạt, nước da xanh, thân hình gày gò, đôi mắt âu hằn lên những lo âu và hốt hoảng là những gì để hình dung về chị lúc ấy.

    Vội vã và khẩn thiết, chị xin được gặp luật sư gấp. Khuyên chị nên ngồi xuống uống một cốc nước để lấy lại bình tĩnh, tôi lắng nghe câu chuyện chị giãi bầy…

    Chị kể, chị sinh ra trong một gia đình gia giáo và có học thức, nhà có 3 anh chị em, người anh cả đã vào Nam lập nghiệp và xây dựng gia đình. Bản thân chị cũng tốt nghiệp đại học sư phạm loại ưu, nhưng bởi cuộc sống mưu sinh mà vẫn phải vất vả dạy các trường tư ở Hà Nội. Nói đến đây, giọng chị ngậm ngùi và đượm buồn kể tiếp về người chị gái của mình. Chị gái của chị là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, học ngành y và khá nhiều người theo đuổi nhưng sau khi ra trường chị quyết nghe theo tiếng gọi tình yêu, kết hôn với một anh bạn trong làng. Hai vợ chồng chị hạnh phúc và sinh được 2 người con, một bé gái và bé trai tên Lê Ôn T. Khi Lê Ôn T được 5 tuổi thì chị gái không may bị sét đánh chết. Thời gian sau, anh rể - cha của T còn trẻ nên quyết định cưới vợ mới.

    Sự khiếm khuyết tình cảm của người mẹ, lại phải chia sẻ tình cảm của cha cho người phụ nữ xa lạ, cộng với những khó khăn về trở ngại tâm lý, sinh hoạt trong cuộc sống giữa gì ghẻ - con chồng đã khiến cho T từ một cậu bé hoạt bát, vui vẻ trở nên lầm lì, ít nói, có dấu hiệu của chứng tự kỷ nhẹ. Tuy nhiên em vẫn ngoan ngoãn và học khá giỏi, được bạn bè xung quanh yêu quý. Song sự quan tâm ít ỏi từ bạn bè làm sao có thể bù đắp được những thiếu sót tình cảm gia đình, cậu bé T càng ngày càng sống khép kín, ốm đau bệnh tật hay những khó khăn trong cuộc sống, rồi thay đổi tâm sinh lý của một một chàng trai dần trưởng thành, T đều tự vượt qua và một mình chịu đựng. Trải qua quãng thời gian cơ cực và thiếu thốn tình cảm ba mẹ, T cũng trưởng thành và còn đậu đại học. Để chi trả cho những loại phí đắt đỏ của cuộc sống sinh viên nơi Hà thành phồn hoa đô thị, T phải đi làm thêm, tự mình bươn chải cuộc sống. Thu nhập bấp bênh lúc có lúc không, cộng với những chi phí học tập, sinh hoạt, một mình T không có khả năng tự trang trải .Những lúc quá thiếu thốn T có qua lại nhà người thân và chị - cũng là gì của T đều giúp đỡ cho cháu ít tiền sinh hoạt phí. Tuy nhiên chị cũng không có tiền để giúp T nhiều, chị còn phải lo cho cuộc sống gia đình chị. Lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn khiến T phải bỏ học giữa chừng. T bỏ học, chị, gia đình và cả ba của T đều không hay biết.

    Luật sư Đặng Văn Cường - Văn Phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội

    Nói đến đây chị nghẹn ngào, thanh âm có phần nức nở “không ngờ chỉ vì quá thiếu thốn mà cháu nó lại quẫn trí làm chuyện hồ đồ”.

    Đó là một buổi tối T bị ba mắng khi đang dùng cơm với gia đình. Vì tự ái, T bỏ ăn và ra ngoài. Sau khi lang thang không mục đích và tâm lý của một người không có tổ ấm yêu thương để quay về, T đã suy nghĩ phải vào miền Nam lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Với suy nghĩ đó, T liền hỏi han vay mượn tiền của họ hàng và bạn bè khắp nơi nhưng không được. Trong một khắc túng quẫn, T nảy sinh ý định sang nhà hàng xóm trộm cắp và đã làm liều thật. Khi qua nhà hàng xóm vì không phá được khóa lại nhìn sang nhà bên cạnh, biết đó là gia đình của một cụ ông – Tạ Văn C ở một mình có con cái đều ở nước ngoài, T nghĩ trong nhà sẽ có tài sản để trộm cắp, nên T trèo tường qua nhà ông C. Khi sang đến nơi, T thấy cửa mở nên đi vào và thấy ông C đang ngủ trên phản, T đi xuống khu bể nước tìm máy bơm nước để trộm. Nhưng chưa kịp thực hiện thì đèn nhà ông C bật sáng, T vội chạy ra núp sau khu bể nước. Ông C bật đèn pin lên ra đóng cổng rồi quay lại khu vệ sinh và vô tình soi đèn pin trúng vào mặt T. Thấy thế, T liền lao vào ôm ông C vật và ghì ông xuống đất cho đến khi ông không còn cử động nữa. Sau đó T ngồi xuống hút thuốc trong tâm lý hoảng loạn hoang mang cực độ. Được một lúc T tiến lại sờ chân ông C thì thâý mạch vẫn đập. T lấy khăn ướt nhét vào miệng ông và dùng đoạn nhựa ống nước trói tay chân ông T lại. Sau khi trói xong, T đi lục soát trong nhà, lấy được 1 bọc ni lông có tiền và 1 bọc giấy báo cho hết vào túi rồi tẩu thoát về nhà. Về nhà T kiểm tra bọc ni lông có 20 triệu đồng và 16 chiếc nhẫn bằng kim lạo màu vàng. T nhanh chóng đi ra bắt xe vào TP Hồ Chí Minh. Vào Hồ Chí Minh, T bán được vàng khoảng 76 triệu đồng, cùng 20 triệu tiền mặt lấy được tại nhà ông C, T lang thang nhiều nơi ăn uống chi tiêu cho đến khi hết tiền thì quay ra Hà Nội và đầu thú tại cơ quan điều tra. Ông C được phát hiện đã tử vong tại nhà sau hành vi của T hôm đó.

    Kể xong câu chuyện, chị đã không cầm nổi những giọt nước mắt bi thương, thương cho cụ ông vô tội cũng thương cho đứa cháu có số phận éo le vướng vào vòng lao lý. Luật sư đã tư vấn, giải thích và hướng dẫn chị làm các thủ tục pháp lý ban đầu để luật sư tham gia bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho T. Dù cho lo lắng, hoang mang, đau thương đan xen nhưng chị vẫn giữ được bình tĩnh, cứng rắn để lựa chọn việc tìm gặp luật sư tư vấn. Không có suy nghĩ tiêu cực, không sự khóc lóc vật vã, chỉ thấy ánh mắt người phụ nữ hiện lên vẻ cương quyết và mong muốn tìm kiếm được những sự trợ giúp về pháp luật cho cháu mình.

    Chị bước ra khỏi văn phòng luật sư với vẻ mặt nhẽ nhõm một phần, yên tâm hơn nhưng luật sư thì lại bước vào những ngày nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu vụ án và những sự trăn trở đối với số phận của một cậu thanh niên trẻ thiếu thốn sự quan tâm đúng đắn từ gia đình và nhà trường. Một cậu thanh niên học hành tương đối, có thể có tương lai sáng, nhưng lại gặp cản trở về tâm lý, cản trở về mưu sinh mà đến bước đường cùng phải đi trộm cắp. Liệu có giải pháp khác hữu hiệu hơn không, liệu cậu bé có phải đối mặt với chấn động hiện tại không nếu có được sự quan tâm từ gia đình, nhà trường, có được phương pháp giáo dục đúng đắn hơn.

    Phiên tòa xét xử cũng nhanh chóng diễn ra. Hội đồng xét xử cho rằng Lê Ôn T có hành vi giết người và cướp tài sản với tính chất côn đồ, hung hãn. Luật sư lại cho rằng cần làm rõ mục đích giết người và mục đích cướp tài sản của T. Theo đó trước khi ông C soi đèn pin vào mặt T, T chỉ đơn giản là mục đích vào nhà trộm cắp chứ không hề nảy sinh ý định, mục đích giết người. Khi T lao vào vật ông C xuống đất liệu có mục đích giết ông C hay không, hay đó chỉ là bản năng tự vệ của một người đang thực hiện hành vi lén lút, của một người có ý định trộm cắp bị phát hiện. Hành vi của T bịt mồm và trói tay ông C là nhằm mục đích gì, đó là hành vi có tính chất côn đồ hay đó chỉ là thuộc tính vốn có của một người muốn che giấu hành vi phạm tội, muốn ngăn cản sự truy hô của nạn nhân. Hành vi của T có bóp cổ ông C đến chết không, có mong muốn giết chết ông C không hay chỉ bóp để ngăn cản tiếng hô hoán của ông. Làm rõ những mục đích và hành vi trên mới xác định được mục đích và hành vi phạm tội của Lê Ôn T. Tuy nhiên, Tòa án vẫn nhận định mục đích giết người và cướp tài sản của T và tuyên phạt tử hình.

    Gia đình T đau đớn tột cùng, thậm chí gia đình bị hại cũng thể hiện sự ái ngại và không mong muốn hình phạt đến mức độ đó. Bản thân T cúi đầu tuyệt vọng : “Hội đồng xét xử tuyên phạt cháu nặng quá”.

    Kết quả đó gieo vào lòng luật sư hàng trăm trăn trở, rằng vấn đề tâm lý học tội phạm trong vụ án này đã được làm rõ chưa? Liệu hình phạt đó có phải là giải pháp hữu hiệu răn đe phòng ngừa tội phạm chung chưa hay là một mức án quá nặng? Và giá như trước đó có phương pháp giáo dục đúng đắn từ cả gia đình, nhà trường thì T có đi đến bước đường ngày hôm nay, và nếu đến lúc này liệu cậu bé có thể cải tạo giáo dục được không nếu cho cậu bé một cơ hội? Cũng như liệu rằng có thể có phép màu nào bao dung lượng thứ cho sai lầm của một người thiếu thốn tình cảm sai đường lạc bước, cho cậu ta có cơ hội sửa chữa không? Tất cả đều là những câu hỏi và trăn trở day dứt luật sư mỗi khi ngồi vào bàn làm việc.

    Vụ án sẽ tiếp tục được xét xử phúc thẩm và mong rằng sẽ có một tình hình khả quan hơn.

    Ths. luật sư Đặng Văn Cường 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-khuat-sau-toi-ac-a179006.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan