Thủ tướng Fayez al-Sarraj đã ban hành chỉ thị tất cả các lực lượng quân sự lập tức ngừng bắn cũng như tất cả các hoạt động chiến đấu trên toàn lãnh thổ Libya.
Các tay súng LNA ở Benghazi hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Ngày 21/8, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận đã tuyên bố lệnh ngừng bắn trên khắp cả nước, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa thành phố chiến lược Sirte đang trong tình trạng tranh chấp giữa các lực lượng đối lập.
Chính quyền đặt trụ sở tại Tripoli cũng hối thúc lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng chấm dứt lệnh phong tỏa mỏ dầu, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 3/2021.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi bị liên minh do Mỹ hậu thuẫn lật đổ năm 2011. Xung đột kéo dài đã tạo ra mảnh đất béo bở để những kẻ buôn lậu, buôn bán vũ khí, lính đánh thuê trục lợi bằng cách vi phạm nghị quyết cấm vận của Liên Hợp Quốc mà không sợ bị trừng phạt.
Libya giống như một thỏi nam châm thu hút lính đánh thuê từ các nước, đôi khi xung đột còn nổ ra giữa hai nhóm lính đánh thuê chung quốc tịch.
GNA được LHQ công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập hỗ trợ.
Theo một số nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào Libya khoảng 16 ngàn quân, chủ yếu là lính đánh thuê từ Syria, cùng nhiều khí tài hiện đại để hỗ trợ cho GNA. Nhờ sự tiếp sức từ Ankara, GNA đã đánh bật LNA ra khỏi thủ đô Tripoli và đang dàn quân chuẩn bị tấn công giành quyền kiểm soát TP. Sirte và căn cứ của LNA ở al-Jafra.
Không thể “khoanh tay đứng nhìn” lực lượng mình hậu thuẫn bị thất thế, Ai Cập đang thực hiện các bước đi hướng tới sự can dự trực tiếp vào tình hình Libya. Việc Cairo công khai “ra mặt” đối đầu với Ankara khiến người ta lo ngại về một cuộc chiến “ủy nhiệm” khốc liệt tại Libya giữa một bên là GNA với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar và bên còn lại là LNA có sự hậu thuẫn của Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) và Nga.
Ngày 17/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm về tình hình xung đột tại Libya, trong đó hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần có các bước đi thực tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn bền vững tại quốc gia Bắc Phi này.
LNA lâu nay khẳng định không hề thuê lực lượng nước ngoài tham chiến trong cuộc chiến với GNA. Tuy nhiên, sự hiện diện của các tay súng Nga đã được nhiều nhà ngoại giao và nhà báo ghi nhận, theo al Jazeera.
Lực lượng này được nhận diện khi mang theo các trang bị thường chỉ được lực lượng vũ trang Nga sử dụng.
Mộc Miên (T/h)