Thanh Thúy sở hữu giọng hát u sầu, nghẹn ngào, nức nở khiến người ta chỉ nghe một lần đã thấy vấn vương, nhớ nhung, thậm chí ám ảnh. Giọng hát liêu trai ấy cùng với vóc dáng yểu điệu thục nữ, mái tóc dài buông lơi trên vai gầy đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân và cũng gieo nhớ thương khắc khoải cho nhiều chàng trai thuở ấy.
Giọng hát sương khói gieo sầu thảm
Danh ca Thanh Thúy. |
Thanh Thúy đến với âm nhạc như một lẽ sống theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bà trở thành ca sĩ từ năm 15 tuổi vì bản năng nghệ sĩ thiên bẩm và vì khao khát đến tuyệt vọng của một cô bé nghèo cần tiền chữa bệnh cho mẹ.
Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh ngày 2/12/1943 tại cố đô Huế, trong gia đình có 5 chị em. Chị em ca sĩ Thanh Thúy sớm mồ côi cha, thế nên Thanh Thúy và các em phải theo mẹ đi tha phương khắp nơi, phiêu bạt từ Huế vào Phan Thiết rồi tới Sài Gòn, cuộc sống cơ cực trăm bề.
Thanh Thúy là người Huế, nói đặc tiếng Huế nhưng hát giọng Bắc và chính chất giọng trộn lẫn giữa Huế và Hà Nội là nét đặc biệt, giúp cô gái tuổi 15 này tạo nên sự khác biệt khi bước lên sân khấu. Chất giọng của bà hơi khàn nhưng không hề đục mà ngược lại, rất thanh. Ở mỗi cung bậc, Thanh Thúy luyến láy như phù thủy, nhấn nhá trầm bổng như “lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương”. Giọng hát đặc biệt ấy cứ mỗi khi cất lên là sẽ đi sâu vào tâm khảm của người nghe, khiến ai đã nghe một lần cũng đều thương nhớ, vấn vương.
Ở tuổi 17, mẹ qua đời, bà thay mẹ gánh vác gia đình, nuôi nấng, chăm sóc các em còn nhỏ dại. Sự ra đi của mẹ đã tác động rất lớn đến Thanh Thúy. Người ta bảo rằng, có lẽ Thanh Thúy mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ mà tiếng hát trở nên u sầu, não nùng, bi cảm hơn.
“Người trong mộng” của biết bao thi nhân
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giọng hát liêu trai đã giúp Thanh Thúy bước lên đài danh vọng của thế giới đèn màu. Trong những năm 1960, bà là ngôi sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc. Cái tên Thanh Thúy lẫy lừng không chỉ trên các sân khấu phòng trà mà cả trên sóng phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc.
Thanh Thúy với giọng ca mang nỗi buồn man mác, đôi mắt u sầu và tà áo dài màu lam đã đánh cắp trái tim của nhiều chàng trai. Thời ấy, cô gái nào cũng mặc áo dài, Thanh Thúy cũng mặc tà áo ấy nhưng lại khiến người ta nhớ nhung, ám ảnh đến kỳ lạ. Hằng đêm, dưới ánh đèn sân khấu, trong tà áo dài tha thướt, Thanh Thúy cất giọng hát liêu trai khiến người nghe như nghẹn đi và bà trở thành “người em sầu mộng” của bao người.
Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ... Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành”. Những chia sẻ này của Nguyên Sa không phải là quá ưu ái Thanh Thúy mà sự thực, đã có một thuở, Thanh Thúy khiến nhiều người đàn ông si mê.
Với Hoàng Trúc Ly, tiếng hát của Thanh Thúy có sức lôi cuốn đến kỳ lạ, “Từ em tiếng hát lên trời/Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh/Sợi buồn chẻ xuống lòng anh/Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”. Còn với nhà văn Mai Thảo, tiếng hát của Thanh Thúy là “tiếng hát lúc 0 giờ”. Ông đã viết: “Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong dòng sông sương mù, chậm và khuya, công phu, kỳ lạ!”.
Tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long vì “yêu đơn phương” Thanh Thúy mà mang bệnh tương tư. Ông đã viết rất nhiều kịch bản Ghen, Tan tác, Khi người ta yêu nhau, Nghẹn ngào, Ám ảnh, Một người tên Thúy để bày tỏ tình cảm với bà. Năm 1961, Nguyễn Long còn làm cả bộ phim Thúy đã đi rồi nhưng vẫn không lọt vào mắt xanh của bà. Si tình trong tuyệt vọng, Nguyễn Long làm bài thơ Thôi như tự an ủi mình, về sau bài thơ này được Y Vân phổ nhạc và trở thành ca khúc rất được yêu thích.
Không chỉ vậy, hình ảnh của Thanh Thúy còn xuất hiện nhiều trong các vở kịch sân khấu, truyền hình khiến hình ảnh của bà càng thêm long lanh, thanh khiết. Vì vậy, không hề quá khi nói Thanh Thúy đã trở thành một chất liệu khơi nguồn sáng tạo cho cả một thế hệ.
Tình đầu vô vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nói đến Thanh Thúy không thể không nhắc đến nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương. Cuộc gặp gỡ có duyên không phận của họ đã khơi nguồn cho nhiều ca khúc bất hủ.
Thuở ấy, chàng nhạc sĩ vóc dáng dong dỏng, mái tóc dài lãng tử đã ngay lập tức đánh mất trái tim khi được nghe giọng hát liêu trai, thấy làn tóc mây buông xõa trên bờ vai gầy của Thanh Thúy. Thế nhưng, con tim ấy dù loạn nhịp nhưng lại phải câm lặng vì người con gái chẳng dành cho chàng tình yêu. Đó là nỗi đau khiến trái tim đang thổn thức trở nên quặn thắt. Thế rồi, trái tim đau khổ, duyên nợ bẽ bàng ấy, mối tình đơn phương ấy được chàng trai kết lại thành giai điệu, thành ca từ khao khát yêu thương. Chuyện chúng mình, Hai lối mộng, Ai cho tôi tình yêu, Chiều cuối tuần, Buồn trong kỷ niệm, Hình bóng cũ... đều là tiếng lòng của người nhạc sĩ dành cho mối tình vô vọng.
Nỗi lòng mà chàng nhạc sĩ gửi gắm vào từng ca khúc được trao cho người con gái anh yêu và được cô nâng bổng lên trời. Nếu tiếng hát Thanh Thúy bồng bềnh, lơ lửng trên đỉnh cao thì trái tim Trúc Phương lại rớm máu, chôn vùi dưới vực thẳm. Với Trúc Phương, mối tình đơn phương thuở thanh xuân vẫn luôn ám ảnh ông, người con gái có giọng hát liêu trai ấy trở thành một phần không thể thiếu, khiến ông nhớ nhung cho đến cuối đời. Trong ca khúc “Mắt chân dung để lại”, dòng nhạc cuối cùng của Trúc Phương vẫn còn tơ vương bóng hình Thanh Thúy: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ, khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời”.
Một chàng trai nữa cũng tạo nên những tuyệt phẩm vì mối tình câm với cô ca sĩ có giọng hát liêu trai, chính là Trịnh Công Sơn. Thuở ấy, chàng trai nghèo Trịnh Công Sơn vì mê giọng hát của Thanh Thúy mà đêm nào cũng đến phòng trà để được nghe cô hát. Chiếc áo dài màu lam, đôi mắt sâu u buồn, giọng hát tựa khói sương khiến chàng trai 16 tuổi mê đắm. Những ca từ thổn thức, những giai điệu mượt mà của Ướt mi và Thương một người chính là nỗi lòng Trịnh Công Sơn dành cho Thanh Thúy.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Mối tình đơn phương của nhạc sĩ họ Trịnh có thể gọi là chút tình đầu thoáng qua, nhưng cũng có thể gọi là mối tình say đắm, vô vọng. Bởi, khi đó Thanh Thúy đã là ca sĩ nổi tiếng, giai nhân được nhiều người đưa đón, còn ông chỉ là chàng trai nghèo, chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh khi ngồi nghe cô hát. Ông từng tâm sự: “Dần dần, hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn vì tôi nhỏ tuổi hơn, lại nhiều mặc cảm và vô danh... Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng”.
Lê Anh
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 34