Phương Dung là một trong những ca sĩ đầu tiên của Việt Nam thể hiện dòng nhạc Bolero từ gần 60 năm trước. Cũng chính Bolero đã làm nên tên tuổi một "nhạn trắng Gò Công" lẫy lừng của làng nhạc Việt. Khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, vào cuối những năm 1960, bà lập gia đình và sang nước ngoài định cư vào năm 1974. Nữ nghệ sĩ nguyện chỉ yêu một người, sống với người đó đến trọn đời và cùng sinh ra 8 người con.
Đừng ngồi ghế nóng gameshow để đánh bóng tên tuổi
- Chào danh ca Phương Dung, thời gian gần đây khán giả thấy bà thường xuyên về Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình không?
Thời gian gần đây, tôi thường xuyên về Việt Nam vì tôi có nhiều việc phải làm ở quê hương. Tôi đã nhận lời tham gia chương trình Tết vạn lộc của nghệ sĩ Vượng râu, tôi yêu lịch sử văn hoá của Việt Nam, đã đi khắp các miền Bắc – Trung- Nam nên thích phong cảnh đất nước lắm. Hơn nữa, tôi đang có kế hoạch bảo trợ cho một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như ở Hà Nội, Lào Cai.
Hiện nay tôi định cư bên Mỹ, nhưng thi thoảng tôi về Việt Nam ngồi ghế giám khảo cho một số gameshow như: Hãy nghe tôi hát, Người kể chuyện tình, Gương mặt thân quen và Sao đổi ngôi.
- Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ ngồi “ghế nóng” làm giám khảo các chương trình gameshow Bolero, bà đánh giá như thế nào về việc này?
Có một số người ngồi ghế giám khảo các cuộc thi nhạc Bolero, nhưng họ không phải là nghệ sĩ dòng nhạc này nên họ không biết gì để nói, chỉ nói chung chung thôi. Nhiều thí sinh hát sai lời bài hát mà giám khảo không biết.
Tôi là 1 trong 3 người hát dòng nhạc Bolero từ đầu thập niên 60 cùng với Thanh Thuý và Hoàng Oanh, những nghệ sĩ như: Thanh Tuyền, Giao Linh, Họa Mi là lớp đàn em của chúng tôi. Bởi thế, nghệ sĩ ngồi ghế nóng phải thuộc dòng nhạc đó mới chấm chính xác được. Ví dụ, bây giờ mời tôi chấm dòng nhạc bán cổ điển, hay chương trình hài, tôi cũng không biết nhiều. Bởi thế, phải mời đúng người đúng chuyên môn mới được.
- Mấy năm trở lại đây, nhiều chương trình ca nhạc, gameshow về Bolero bùng nổ trên các kênh sóng truyền hình, bà nhận xét gì về hiện tượng này?
Tôi thấy “món ăn tinh thần” này thiếu sáng tạo. Nếu nghệ sĩ ngồi ghế nóng gameshow để đánh bóng tên tuổi của mình là không nên, họ phải có các sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật mới được khán giả nhớ lâu.
- Trong những người hát Bolero trẻ hiện nay ở thị trường âm nhạc Việt Nam, bà đánh giá cao ai nhất, kể cả ca sĩ nam và nữ?
Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ca sĩ nam và nữ nào hát tốt được dòng nhạc Bolero cả. Họ chỉ hát ở tầm trung bình thôi. Lệ Quyên không phải là ca sĩ dòng nhạc Bolero, Quyên thích thì Quyên hát dòng nhạc này thôi, chứ không phù hợp với dòng nhạc Bolero. Bolero có những luyến láy riêng, chỉ cần một chữ được người nghệ sĩ xử lý kỹ, thì đã khác rồi.
- Theo bà, một người hát tốt một dòng nhạc khác, họ có thể hát tốt dòng nhạc Bolero không?
Khó lắm, nghe cái luyến láy thì có vẻ dễ nhưng thực ra khó lắm. Năm 11 tuổi tôi đã đi hát rồi nên có ít nhiều kinh nghiệm về dòng nhạc Bolero. Họ có thể hát và tự tin ở dòng nhạc mà mình theo đuổi, còn Bolero thì lại khác.
Bài “hit” là thương hiệu của ca sĩ
- Trong 61 năm đi hát, bà có những kỷ niệm gì không thể quên không?
Tôi từng dự thi một cuộc thi về âm nhạc khi còn nhỏ. Năm 1965, tôi từng đóng phim cho một hãng phim ở Mỹ và giành được Huy chương Vàng vào năm đó. Rồi trong thời gian đi diễn trên sân khấu, nhiều kỷ niệm như: Khán giả ôm mình khóc trên sân khấu, rồi lên sân khấu hát cùng ca sĩ nữa... nói chung nhiều lắm. Hiện nay, nhiều người trẻ tự xưng là ca sĩ và tự tin về điều đó.
- Theo bà do thị hiếu người nghe thay đổi hay do thị trường âm nhạc quá dễ dãi?
Thị hiếu dễ dãi, nếu mình xưng là ca sĩ, thì mình phải sống được với nghề hãy xưng như thế. Nếu không, chỉ hát chơi chơi thôi. Trước hết, người ca sĩ phải biết hát về nhạc lý, phải học ngôn ngữ âm nhạc, vì ngôn ngữ âm nhạc các miền Bắc- Trung- Nam là khác nhau. Như ca trù, hát xẩm, quan họ là những thể loại nhạc khác nhau. Khi hát bài nào đấy, người ca sĩ phải biết và phân biệt được. Bây giờ nhiều ca sĩ trẻ không biết những điều ấy đâu.
- Hiện nay, người ta hay nói đến bài hát “hit” gắn với một ca sĩ nào đó. Theo bà, việc tạo ra “hit” có phải là cách nâng tên tuổi của mình lên không?
Đúng rồi, bài hát “hit” như thương hiệu của một ca sĩ. Nhắc đến ca sĩ, người ra nhớ ngay đến bài hát này. Như nhắc đến Phương Dung, người ta nhớ đến các bài hát như: Về đâu mái tóc người thương, Nỗi buồn gác trọ, Sương lạnh chiều đông... Việc tạo ra các bài hát gắn với tên tuổi của mình cũng cần đến chữ “duyên” và sự bền bỉ nữa. Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Lạc Thành
Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 8