Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, tính đến ngày 30/12/2021, đã có gần 200.000 chứng nhận y tế giả đã bị nhà chức trách phát hiện. Song, theo nhiều chuyên gia, con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Truyền thông Pháp cho biết, nạn buôn bán chứng nhận y tế giả đã tăng với quy mô chưa từng có tại nước này, nhất là từ giữa tháng 7/2021, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron trong phát biểu nhân dịp Quốc khánh Pháp khẳng định người dân phải trình chứng nhận y tế, chứng nhận họ hoặc đã tiêm phòng, hoặc đã nhiễm COVID-19 và đã lành bệnh, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi đến các nhà hàng, quán cà phê và cơ sở văn hóa, thể thao…
Hầu hết người dân Pháp ủng hộ biện pháp này thì những người phản đối đã tổ chức các cuộc biểu tình suốt các dịp cuối tuần trong 5 tuần liên tiếp vừa qua. Một thị trường chợ đen cho các thẻ y tế gian lận đã xuất hiện trên ứng dụng mạng xã hội Snapchat - bất chấp nguy cơ bị phạt tù. Theo đó, các tài khoản trên ứng dụng mạng xã hội hiếm khi tồn tại quá vài ngày đã công khai quảng cáo giấy tờ giả mạo.
Một số quảng cáo có nội dung: "Giấy chứng nhận y tế của bạn sẽ được chuyển qua email tối đa từ 8 đến 10 giờ", "Tiêm chủng là tùy chọn nhờ dịch vụ của chúng tôi" hoặc "Nói không với vaccine và nhận giấy chứng nhận sức khỏe mà không cần tiêm chủng".
Theo Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, trong quá trình điều tra về người sử sụng và đối tượng làm giấy thông hành y tế giả, cảnh sát đã phát hiện có sự dính líu của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, một số bác sĩ, y tá cũng vô tình trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, bị tin tặc đánh cắp thông tin bảo mật rồi mạo danh đột nhập vào hệ thống y tế để làm chứng nhận giả.
Trả lời phỏng vấn tờ Libération, Tướng Sylvain Noyau – người đứng đầu Cơ quan trung ương Pháp về đấu tranh chống các vụ xâm hại môi trường và sức khỏe cộng đồng (Oclaesp), cơ quan tiến hành và hỗ trợ điều tra về chứng nhận y tế giả trong giai đoạn COVID-19, cho biết, trên thực tế, số nhân viên y tế bị kẻ xấu lừa gạt và trở thành nạn nhân lớn hơn con số những người chủ động gian lận làm giả chứng nhận.
Bộ trưởng Darmanin cho biết khoảng 100 đối tượng đã bị bắt sau khi 400 cuộc điều tra được thực hiện kể từ khi giấy thông hành y tế trở thành một phần bắt buộc phải có trong đời sống của người dân.
Chứng nhận y tế giả bao gồm chứng nhận xét nghiệm với kết quả âm tính với COVID-19 được làm giả và chứng nhận giả mạo về việc tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong đó, giấy chứng nhận giả mạo tiêm chủng chiếm đa số.
Theo luật của Pháp, đối tượng làm giả giấy chứng nhận y tế sẽ đối mặt với mức án phạt 5 năm tù giam cũng như chịu phạt tối đa lên tới 150.000 euro. Những người sử dụng giấy tờ giả cũng có thể phải ngồi tù tới 3 năm.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, số người nhập viện ngày càng tăng, chứng nhận y tế là một chỉ dấu được quan tâm khi bệnh nhân nhập viện bởi nó có thể giúp các bác sĩ đưa ra liệu pháp điều trị cho phù hợp, tránh nguy cơ bệnh nhân lâm bệnh nặng hoặc tử vong.
Bộ trưởng Y tế Pháp trong một tuyên bố khẳng định có tới 5% số bệnh nhân nhập viện dùng chứng nhận y tế giả và kêu gọi những người dùng chứng nhận giả nên khai báo thành thật với cơ quan y tế để được điều trị phù hợp, tránh tái diễn “bi kịch Aicha”.
Chứng nhận y tế giả vì vậy đã trở thành mối lo ngại đối với chính quyền Pháp, buộc nhà chức trách nước này phải tăng cường biện pháp đối phó.
Mộc Miên (T/h)