+Aa-
    Zalo

    Giật mình những vụ việc "làm chưa đúng" của một số cán bộ công an

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thậm chí, khi vụ việc bị phát hiện và bắt tạm giam, các đối tượng này còn chỉ đạo bên ngoài thủ tiêu nhân chứng và chính đồng nghiệp của mình.

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ án chấn động dư luận mà kẻ gây án lại là các đối tượng khoác trên mình chiếc áo thực thi công lý. Thậm chí, khi vụ việc bị phát hiện và bắt tạm giam, các đối tượng này còn chỉ đạo bên ngoài thủ tiêu nhân chứng và chính đồng nghiệp của mình.

    Theo nhiều chuyên gia, qua sự việc này cho thấy sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận nhỏ “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành công an.

    Giật mình những vụ việc
    Năm công an dùng nhục hình làm chết nghi can Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên trong vành móng ngựa.

    Lên kế hoạch “lạ”

    Mới đây, người dân hai tỉnh Thái Nguyên và Ninh Bình ngỡ ngàng khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra và đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 8 bị can về các tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; đưa, nhận hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; vu khống; che giấu tội phạm; khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật". Điều đặc biệt của vụ án này chính là việc các đối tượng tham gia có đến 5 người từng là công an.

    Sau khi các tình tiết của vụ án được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ do những đối tượng này được đào tạo, am hiểu luật pháp nên mới có những cách phạm tội và che giấu hành vi của mình tinh vi đến vậy. Theo tài liệu từ cơ quan điều tra, Bộ Công an, sau khi phát hiện đối tượng Trần Văn Hưng đang bị truy nã về hành vi Giết người; tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng trốn ở nhà vợ tại Ninh Bình, Nguyễn Viết Hòa, Nguyễn Đức Chinh, khi đó còn là cán bộ của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Thái Nguyên thực hiện việc truy bắt đối tượng Hưng. Để chắc chắn, cả hai người đã nhờ Nguyễn Huy Thắng (công tác tại Văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình) giúp đỡ việc xác minh. Sau khi đối tượng Hưng bị bắt giữ, Hòa đã tiến hành khám xét nhà vợ của Hưng (Đinh Thị Thanh Loan) và tra hỏi về chiếc cặp xách mà đối tượng này mang theo. Hưng khai trong đó có 2,5 tỷ đồng và xin biếu Hòa cùng hai người để không bị bắt.

    Cuộc "đổi chác" tiền-tội giữa công an và kẻ tội phạm nguy hiểm được thực hiện ngay giữa hiện trường của vụ việc. Cuối cùng, hai bên "chốt" lại, Hòa sẽ làm thủ tục bắt Hưng ở cầu vượt gần nhà Loan để không ảnh hưởng đến Loan. Đổi lại, Hưng phải chi cho Hòa số tiền 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, vụ chiếm đoạt 2 tỷ đồng bị vỡ lở, Hòa bị cơ quan cảnh sát điều tra, bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Dù ngồi ở buồng tạm giam nhưng Hòa vẫn gửi thư ra chỉ đạo người ở ngoài đe dọa nhân chứng là Đinh Thị Thanh Loan, ép phải trả lời công an theo ý của mình. Thậm chí, nếu Loan không đồng ý, sẽ có "sát thủ" đến thủ tiêu. Chưa dừng lại ở đó, táo tợn và tàn nhẫn hơn, "sát thủ" mà Hòa nhờ cậy còn xin số nhà điều tra viên thụ lý điều tra vụ án, với âm mưu ốp mìn nhà riêng của điều tra viên này nhằm mục đích cản trở điều tra vụ án. Tuy nhiên, tất cả những âm mưu của Hòa và các đối tượng khác đã bị cơ quan điều tra phát hiện.

    Đến tìm mọi cách xóa dấu vết

    Đó là vụ tai nạn giao thông xảy ra ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày 26/2. Người tử vong trong vụ tai nạn là một bí thư xã, còn những người ngồi trên chiếc xe "tử thần" là hai công an huyện Lâm Thao và một công an xã. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ ba cán bộ này để điều tra làm rõ. Theo nhân chứng của vụ việc, đang trên đường đi họp về, nạn nhân đã bị xe ô tô của Công an huyện Lâm Thao quệt từ phía sau. Sau đó, ông bí thư xã đã bị chết trên đường đi cấp cứu.

    Trước đó, ngay sau khi vụ va quệt xảy ra, chỉ có một người mặc cảnh phục quay lại hiện trường lật người nạn nhân lên. Thấy nạn nhân chảy quá nhiều máu, người này lại lên xe bỏ đi. Hành vi gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân không đưa đi cấp cứu của ba người ngồi trên ô tô khiến người dân rất bất bình. Chính người dân đã đưa nạn nhân Trường đi cấp cứu, nhưng ông Trường đã tử vong trên đường đến bệnh viện do vết thương quá nặng.

    Cũng theo người dân kể lại, sau khi vụ tai nạn xảy ra, có một số người tự xưng là cán bộ lực lượng công xã Tứ Xã đến hiện trường. Thay vì bảo vệ hiện trường để chờ cơ quan có thẩm quyền đến điều tra vụ việc, những người này lại đem luôn xe nạn nhân vào trụ sở công an xã Tứ Xã. Người dân cho rằng những vị cán bộ công an này dường như muốn "xí xóa" hiện trường?

    Sau này trả lời PV, Thượng tá Đinh Văn Phúc, lãnh đạo phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, liên quan đến vụ tai nạn giao thông, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tạm giữ ba cán bộ công an, trong đó hai cán bộ Công an huyện Lâm Thao và một phó trưởng công an xã thuộc huyện này để điều tra.

    Khi mầm ác được bọc bởi "nhân danh công lý"

    Toà án Nhân dân (TAND) TP.Tuy Hoà vừa đưa ra xét xử sơ thẩm 5 sỹ quan công an dùng nhục hình làm chết nghi can Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên).

    Năm bị cáo phải hầu tòa gồm: Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá thuộc phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Phú Yên) và một số sỹ quan thuộc đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.Tuy Hòa là Nguyễn Tấn Quang (nguyên Thiếu tá, Đội phó), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy), Đỗ Như Huy (nguyên Trung úy) và Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên Thiếu úy). Trong vành móng ngựa, cả năm bị cáo đều đổ lỗi cho nhau, kẻ thì phủ nhận, kẻ thì quanh co chối tội khiến những người chứng kiến càng thêm bức xúc trước đạo đức và nhân cách sống của những con người được gọi là đại diện cho pháp luật, thực thi công lý.

    Cho rằng mình không đánh anh Kiều, bị cáo Thành không những không khai báo thành khẩn, liên tục chối tội mà còn không đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Khi hội đồng xét xử hỏi ai là người đánh dùi cui vào đầu khiến Kiều bị chấn thương sọ não thì Thành trả lời: "Ai đó đang ngồi dưới kia nhưng không dám khai nhận chứ không phải tôi". "Các anh đánh chết người mà không dám nhận, lại đổ lỗi cho tôi. Các anh góp tiền cho tôi để bồi thường gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, tôi không đánh anh Kiều nên tôi không nhận. Tôi rất nhục nhã khi đứng ở đây với những con người phạm tội nhưng lại không dám nhận", Thành dõng dạc nói trước tòa. Đồng thời Thành cũng khẳng định tất cả lời khai của mình từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử là đúng sự thật: "Lời khai của các bị cáo khác là giả dối, che giấu sự thật".

    Trước đề nghị của VKSND TP. Tuy Hòa về việc cho bốn bị cáo hưởng án treo, chị Chị Ngô Thị Tuyết (chị ruột của nạn nhân) vô cùng bức xúc: "Luật pháp ở đâu khi em tôi bị đánh chết mà bốn bị cáo được đề nghị hưởng án treo? Một con người bị còng hai tay dính vào ghế, hai chân cũng bị còng, không có khả năng tự vệ lại bị năm công an có đầy đủ vũ khí đánh đập tàn nhẫn như vậy?". Chị Tâm (vợ của Kiều) cũng bức xúc lên tiếng: "Người dân đánh người thì bị truy tố tội cố ý gây thương tích, còn công an đánh chết người thì chỉ bị truy tố tội dùng nhục hình? Luật pháp ở đâu, liệu có công minh không?".

    Những sự việc trên gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận nhỏ những người "cầm cân nảy mực", thực thi công lý nhưng lại tìm mọi cách để che giấu tội lỗi của mình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-nhung-vu-viec-lam-chua-dung-cua-mot-so-can-bo-cong-an-a27979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan