(ĐSPL) – Vụ việc đau lòng về nữ sinh tử vong sau khi bị cô giáo phạt là bài học đáng lưu tâm với những người thường xuyên dạy dỗ trẻ và các bậc phụ huynh với những trẻ mắc chứng co giật, động kinh.
Như thông tin đã đưa, chiều 6/1, cháu P.H học lớp 6/7, trường THCS Phan Bội Châu (Tân Phú, TP.HCM), được cô giáo gọi lên kiểm tra bài cũ. Do không thuộc bài nên H. bị cô giáo phạt bằng cách dùng thước đánh bốn cái vào mông. Sau khi bị đánh, nữ sinh lớp 6 ngất xỉu rồi tử vong ngay sau đó.
Ngày 9/1, cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú cho biết có tiếp nhận vụ việc. Theo phía công an, nguyên nhân cháu bé tử vong là do bệnh lý (bệnh động kinh), không có dấu hiệu án mạng.
Cô giáo đến thắp nhang tại đám tang của học trò. Ảnh: Thanh Niên |
Đây là trường hợp đáng tiếc và là bài học cần lưu tâm về cách xử trí với các giáo viên, các bậc phụ huynh đang giảng dạy và chăm sóc trẻ mắc chứng co giật, động kinh.
Sau đây là một số điều mọi người cần lưu ý xử trí kịp thời khi trẻ có dấu hiệu động kinh:
Dấu hiệu trẻ bị động kinh
Trẻ mắc chứng động kinh thường ngất trong giây lát, kèm theo giật cơ. Mỗi cơn co giật sẽ kéo dài từ 30 giây đến một phút, sau đó là té đái và lăn ra ngủ một giấc dài rồi tỉnh táo.
Các bộ phần thường co giật là tay, đầu, cổ. Một số bé đang cầm đồ vật thì đánh rơi trong vô thức, đầu gật nhẹ, ngón tay máy liên tục. Cũng có trẻ la hét, nôn mửa hoặc tím tái thoáng qua. Nếu người lớn không biết cách xử trí có thể gây hại cho bệnh nhi.
Cách xử trí khi trẻ co giật, động kinh
Khi bé lên cơn co giật, điều cần làm là đặt bé nằm ở nơi rộng rãi, đầu hơi nghiêng sang một bên (bên trái) cho chảy đàm ra. Bệnh nhi cũng cần được nới lỏng quần áo, khăn quàng cổ, tránh va đập cơ thể vào vật cứng.
- Nhanh chóng dùng vật mềm đặt giữa hai hàm răng để tránh người bệnh cắn lưỡi. Tuyệt đối không đặt vật cứng giữa hai hàm răng để tránh làm trẻ bị tổn thương lợi, gãy răng.
- Trong trường hợp bé đang có thức ăn trong miệng, người lớn cần móc ra, không cho ăn uống bất cứ thứ gì khi trẻ đang bị cơn. Cần bình tĩnh đặt trẻ nằm xuống, đầu hơi cao và nghiêng một bên để tránh trẻ bị sặc đường thở.
- Cần nới lỏng quần áo, cởi bớt khăn quàng, thắt lưng… để trẻ dễ thở. Ngoài ra, cần mở cửa phòng cho không khí thoáng mát.
- Khi con mắc bệnh, bố mẹ cần bình tĩnh theo dõi biểu hiện: cơn co cứng hay co giật, giật toàn thân hay cục bộ, màu sắc da và môi của trẻ có tím tái hay không, có trợn mắt không hay chỉ nhìn về một phía, đầu có quay sang một bên không, có ngưng thở trong cơn không, gọi trẻ có biết gì không…
- Cần bình tĩnh theo dõi tình hình của con.Ghi nhận đặc điểm của cơn co giật như thời gian co giật, kiểu co giật, biểu hiện của bé trong và sau cơn co giật. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ co giật trên 10 phút, không tỉnh và rối loạn nhịp thở.
- Cần theo dõi liên tục, rất cần gần gũi ngay sau khi bệnh nhi ra khỏi cơn co giật vì lúc này trẻ chưa tỉnh hẳn, dễ có hành vi vô ý gây nguy hiểm và tạo ra cảm giác an toàn, hết đau đớn, sợ sệt và tủi thân.
Biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ bị co giật, động kinh
Theo TS-BS Lê Văn Tuấn, Phó môn Thần Kinh – ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ trên Vnexpress, trẻ bị động kinh cũng có thể có cuộc sống bình thường như trẻ khác. Điểm khác là do cơn động kinh xảy ra đột ngột nên phụ huynh cần phải có những biện pháp bảo vệ cần thiết.
- Ở nhà: Mài bằng các cạnh nhọn của vật dụng trong nhà. Che chắn trước nơi có lửa, nước sôi. Tạo không gian thông thoáng. Nên ở cạnh khi trẻ tắm, bé lớn vẫn không nên cho tắm khi không có người lớn ở nhà. Không nên thiết kế cửa phòng tắm có chốt khóa bên trong. Trong phòng ngủ nên dùng gối an toàn tránh ngạt thở; tránh dùng giường tầng; nên cho trẻ ngủ giường thấp hoặc dưới sàn.
- Ở trường: Thông báo cho thầy cô, bảo mẫu, y tế trường và tài xế biết bé có bệnh động kinh để tiện xử trí ban đầu và giúp các bé khác hiểu tình trạng bệnh của bạn để tránh kỳ thị. Trao đổi với y tế trường về những loại thuốc bé đang dùng.
- Ở nơi công cộng: Luôn đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Nên hỏi ý kiến của bác sĩ về khả năng có cho bé tự đi xe hay không. Khi đưa bé đến hồ bơi cần mang áo phao và giám sát liên tục. Không để bé đứng một mình ở những vị trí cao.
Điều tuyệt đối tránh khi trẻ co giật, động kinh
- Tránh thái độ hốt hoảng quá mức.
- Tránh tụ tập quá đông quanh bé.
- Không được cố đè để kiềm chế cơn co giật.
- Không vắt chanh vào miệng, cạo gió…
Lưu ý: - Những trẻ mắc chứng động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, điều trị đúng thuốc chống động kinh. Gia đình cần cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn, đi khám định kỳ, theo dõi diễn biến sức khỏe và cơn động kinh của trẻ, có sổ theo dõi ghi chép lại những lần trẻ bị cơn , theo dõi tác dụng phụ của thuốc. - Phụ huynh cũng cần ghi nhận đặc điểm của cơn co giật như thời gian co giật, kiểu co giật, biểu hiện của bé trong và sau cơn co giật. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ co giật trên 10 phút, bệnh nhân không tỉnh, rối loạn nhịp thở. Nếu điều trị sớm, trẻ có cơn động kinh có thể hồi phục sau thời gian dùng thuốc. Việc làm này giảm khả năng sa sút trí tuệ của các bé. - Cần phân biệt co giật do động kinh với co giật do những nguyên nhân khác, như sốt gây co giật, co giật kèm sốt do nhiễm trùng hệ thần kinh vì viêm não, viêm màng não; co giật do thiếu ôxy não, thiếu máu não, rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm độc. Trong các trường hợp này, cơn co giật thường dưới 5 phút, sau đó bé hoàn toàn tỉnh táo và không bị yếu liệt bộ phận nào trong cơ thể. |