Biết lý do cô giáo làm như vậy, các cha mẹ đều nhất trí nộp tiền và hết mực ủng hộ, không một ai thắc mắc hay phàn nàn một lời.
Vừa qua, cô Tần Thụy, giáo viên chủ nhiệm của một lớp 8 tại trường THCS Hành Thủy, Hà Bắc (Trung Quốc) đã đem vấn đề mua những đôi giày thể thao giống nhau cho học sinh cả lớp ra bàn bạc với cha mẹ học sinh.
Theo cô Thụy, trẻ em gần đây có xu hướng trở nên ganh đua hơn, thường hay so sánh quần áo, giàu dép của nhau. Bởi vậy, việc cùng đi chung một loại giày thể thao sẽ góp phần giảm bớt sự so sánh trong các em.
Nghe cô giáo giải thích, các phụ huynh đều cảm thấy có lý, mỗi người nhanh chóng đóng khoảng 200 tệ (hơn 700.000 đồng) để mua giày thể thao cho con. Mẫu giày đã được các học sinh thống nhất với nhau trước đó, vừa nhẹ nhàng lại vừa tiện lợi. Cô Thụy rất hy vọng việc “đồng phục hóa” từ quần áo cho tới giày dép sẽ giúp các học sinh của mình bớt nhìn vào ngoại hình và trang phục để đánh giá lẫn nhau.
Biết về hành động của cô Thụy, đa số cư dân mạng cũng ủng hộ và khen ngợi hết lời vì trên thực tế, tại nhiều trường học, không ít học sinh nhìn vào trang phục của nhau để đánh giá giàu nghèo.
Để tránh học sinh nảy sinh suy nghĩ so sánh và tâm lý ghen tị khi nhìn vào ngoại hình, trang phục của nhau, giáo viên chủ nhiệm quyết định cho các em sử dụng giày thể thao giống nhau, như một phần của bộ đồng phục đến trường. |
Con trẻ là đối tượng nhạy cảm, dễ bị tổn thương, khi thấy bạn học khác có mó đồ đẹp hơn hay bị đem ra so sánh với người khác nhưng bản thân lại ở thế yếu, trẻ không tránh khỏi cảm giác buồn bã, tủi thân, thậm chí nhen nhóm sự ghen tị trong lòng, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo chuyên gia về giáo dục thanh thiếu niên kiêm nhà tâm lý học từ Hiệp hội Tâm lý Anh Chen Zhilin, so sánh là bản năng của tất cả chúng ta, trẻ em cũng không ngoại lệ. Sự so sánh theo khía cạnh tiêu cực có thể biến thành phân biệt, tị nạnh. Đặc biệt, khi liên quan tới vật chất, nó có thể làm sai lệch tâm lý của trẻ, nếu không kịp thời uốn nắn thì sẽ gây nên những hệ lụy khó lường về mặt nhân cách.
Để tránh con nảy sinh tâm lý so sánh tiêu cực, cha mẹ cần nêu gương cho con, tránh tỏ ra phân biệt hay so sánh trước mặt trẻ, không chỉ về mặt vật chất mà còn giữa các bé với nhau. Việc so sánh con mình với con người hoặc giữa những đứa trẻ trong nhà với nhau chỉ có thể dẫn đến sự ghen tuông, ganh đua và thiếu tự tin mà thôi.
Cha mẹ không nên nuông chiều hay bảo vệ con quá mức. Nuông chiều dễ khiến trẻ cảm thấy bất an khi nhà có thêm thành viên mới, cảm thấy mình bị “ra rìa”, kém cạnh và không còn nhận được những điều mình muốn như trước kia. Trong khi đó, nếu bất ngờ được “thả” ra khỏi vòng bảo vệ vốn quá kiên cố của cha mẹ, bé lại dễ trở nên rụt rè, nhút nhát, cũng vì thế mà ghen tị và tự ti khi thấy đứa trẻ khác tự tin hơn mình.
Ngoài ra, nên thiết lập quan điểm đúng đắn về tiền bạc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, nhờ vậy trẻ có thể hiểu rõ việc tiền khó có thể kiếm được và kiếm tiền không phải là một việc dễ dàng. Từ đó, trẻ biết trân trọng tiền bạc, sống tiết kiệm, không vì ganh đua hay ghen tị với người khác mà “vung tiền như nước”.
Các bậc phụ huynh cũng nên lắng nghe, thể hiện tình yêu và chia sẻ với các con nhiều hơn để có thể hiểu và nhanh chóng giúp con trẻ tháo gỡ những vướng mắc trong lòng, loại bỏ cảm giác bất an, lo lắng hoặc đố kị.
Đinh Kim (T/h)