Sau nhiều ngày trăn trở với kỳ tuyển dụng viên chức, hàng trăm giáo viên tại nhiều huyện vẫn đang lo lắng về số phận gắn bó với nghề giáo. Những câu hỏi ngây thơ của học sinh như “Cô có dạy chúng em nữa không?” cũng khiến những giáo viên này thêm xót xa, nghẹn ngào...
Trăn trở của giáo viên hợp đồng Hà Nội vẫn chưa nguôi suốt gần 10 tháng qua. |
“Cô có dạy chúng em nữa không?”
Cô giáo Khuất Thị Phúc, một giáo viên hợp đồng dạy môn Ngữ văn tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã bắt đầu đứng lớp từ tháng 9/2009 đến nay, trong quá trình công tác, luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, cho biết: “Công văn số 5379 của bộ Nội vụ ngày 5/11/2019 chỉ đạo về việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng, tôi và nhiều giáo viên hợp đồng thấy đó là một việc làm nhân văn.
TP.Hà Nội từng hứa sẽ bổ sung chỉ tiêu để xét đặc cách giáo viên hợp đồng theo đúng công văn của bộ Nội vụ nêu trên, ngày 31/12/2019, tất cả giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ sẽ hết thời hạn hợp đồng. Vấn đề đặt ra là khi nào TP.Hà Nội sẽ xét đặc cách? TP. có bổ sung chỉ tiêu để tất cả đội ngũ giáo viên có hợp đồng từ ngày 31/12/2015 trở về trước vào viên chức hay không?”.
Nhắc đến kỳ thi tuyển vừa qua, cô Phúc chia sẻ sự hụt hẫng đã trải qua: “Tôi đã tham gia kỳ thi viên chức vài lần nhưng kết quả luôn đứng sát người đỗ. Đặc biệt, năm 2019, kỳ thi viên chức của TP.Hà Nội đòi hỏi thí sinh phải thi qua vòng 1 mới được thi vòng 2. Tôi và những giáo viên hợp đồng lâu năm rất vất vả trong quá trình ôn thi. Chúng tôi phải đầu tư thời gian, tiền bạc đi ôn tiếng Anh.
Vì yêu nghề, mến trẻ, tôi đã cố gắng hết mình và đạt 27/30 câu tiếng Anh, 56/60 câu luật. Tôi đã thấy có hy vọng nhưng sang vòng 2, mặc dù tôi đạt 70,25 điểm môn thi chuyên ngành Ngữ văn, tôi vẫn đứng sát người đỗ. Với số điểm đó, ở trường khác, tôi sẽ đỗ, nhưng lấy chỉ tiêu theo trường nên tôi lại trượt”.
Ngừng lại một chút, cô Phúc tiếp tục cuộc trò chuyện với giọng buồn buồn: “Những ngày cuối tháng 12/2019 với những giáo viên hợp đồng như chúng tôi quả thực rất khó khăn, lo lắng.
Ngày 20/12, trong giờ dạy Ngữ văn lớp 9, tôi thực sự rất xót xa khi các em học sinh hỏi “Học kỳ II cô có dạy chúng em nữa không?”. Tôi không trả lời nổi, cổ họng nghẹn đắng. Một học sinh tinh nghịch còn nói: “Cô giáo phải ở nhà nấu bánh chưng ăn Tết sớm”. Lòng tôi đau nhói...
“Chúng tôi chọn nghề nhưng nghề có chọn chúng tôi không?”
Nhiều giáo viên phải "lăn lộn" với đủ nghề để mưu sinh. |
“Giờ chúng tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất là TP.Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc Công văn 5379 của bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội sẽ giữ đúng lời hứa để những giáo viên hợp đồng của TP. nói chung và giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ nói riêng yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục Thủ đô”, cô Phúc bày tỏ.
“Không làm nghề giáo, tôi biết theo nghề nào?” - Đó là trăn trở của cô giáo Trần Thị Lý, giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ với hơn 16 năm gắn bó với biết bao lớp học sinh.
Cô chia sẻ: “Ban đầu, lương khởi điểm hợp đồng của tôi là 240.000 đồng/tháng. Để tồn tại được với nghề dạy, tôi đã phải đi thuê đất để chăn nuôi, nhưng chẳng may lại bị dịch phải tiêu hủy cả đàn... thiệt hại nặng nên gặp vấn đề lớn về kinh tế.
Hiện nay, theo thông báo của UBND huyện Phúc Thọ, hết ngày 31/12/2019 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ giáo viên hợp đồng. Bản thân tôi đang hết sức lo lắng vì đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho giáo dục, giờ chấm dứt hợp đồng, không làm nghề giáo, tôi biết theo nghề nào, biết làm công việc gì cho phù hợp?”.
Cô Lý bày tỏ: “Nguyện vọng của tôi là mong muốn các cấp lãnh đạo thực hiện tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng có đủ điều kiện theo Công văn 5379 của bộ Nội vụ, để chúng tôi được gắn bó với nghề”.
Cùng chung nỗi lòng với nhiều giáo viên hợp đồng khác, cô giáo Khuất Thị Ngọc Hoa, một giáo viên hợp đồng đã có hơn 20 năm cống hiến với sự nghiệp “trồng người” cũng chia sẻ: “Suốt 20 năm qua, tôi luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Bao năm qua, mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng tôi vẫn bám trụ với nghề, chưa từng nghĩ đến việc sẽ rời xa bục giảng”.
“Hiện tại, bản thân tôi cảm thấy rất lo lắng, vì theo Công văn 5379 của bộ Nội vụ về việc xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước, nêu rõ, xét tuyển đặc cách cho toàn bộ giáo viên hợp đồng trước, nếu còn chỉ tiêu mới tổ chức thi tuyển. Vì vậy, việc TP.Hà Nội tổ chức thi tuyển trước khi xét tuyển khiến chúng tôi rất lo lắng về chỉ tiêu viên chức đã được tuyển dụng.
Liệu sau đó có còn chỉ tiêu xét tuyển đặc cách cho toàn bộ giáo viên hợp đồng nữa hay không? TP. sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Chúng tôi, các giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ rất cần có một chính sách nhân văn cũng như có những cơ chế đặc thù để xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng có đủ điều kiện theo công văn của bộ Nội vụ”, cô Hoa bộc bạch.
Trong khi đó, mặc dù huyện Sóc Sơn đã có những chỉ đạo “mở lối”, cô giáo Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn cũng vẫn chưa khỏi thấp thỏm lo âu: “Hiện tại, chỉ là “tạm dừng” chấm dứt hợp đồng, chờ thành phố. Như vậy, không biết số phận những giáo viên hợp đồng như chúng tôi sẽ ra sao.
Nếu đúng tinh thần của bộ Nội vụ thì phải xét tuyển đặc cách trước rồi mới thi tuyển, nhưng TP.Hà Nội lại làm ngược lại, nếu đủ chỉ tiêu rồi thì chúng tôi có còn cơ hội nữa hay không? Hơn nữa, chúng tôi càng lo lắng hơn, liệu lần này, TP.Hà Nội có làm đúng hay tiếp tục khiến chúng tôi “mừng hụt”. Dẫu sao, tôi vẫn mong mỏi sẽ được nhận một tin vui để yên tâm đón Tết...”.
Cẩm Mịch
Bài đăng ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật số 207