Các cuộc giao tranh giữa Quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ sáng 15/4 ở phía Nam thủ đô Khartoum. Bạo lực bùng phát do bất đồng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. RSF muốn quá trình kéo dài 10 năm, trong khi quân đội cho rằng điều này nên được thực hiện trong vòng hai năm.
Tới ngày 16/4, giao tranh tiếp diễn và mở rộng ra các thành phố khác của Sudan như Marawi, Omdurman, Soba, Darfur, Port Sudan, Kassala, Damazin, Kosti và Kadugli.
Sáng 17/4, Reuters dẫn số liệu của nghiệp đoàn bác sỹ tại Sudan cho biết, các cuộc giao tranh ác liệt đã làm ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương.
Trong bối cảnh các cuộc đụng độ tiếp diễn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo một số bệnh viện đang cạn kiệt nguồn cung cấp y tế quan trọng để điều trị cho những người bị thương.
“Một số trong số 9 bệnh viện ở Khartoum tiếp nhận dân thường bị thương đã hết máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền tĩnh mạch và các nguồn cung cấp quan trọng khác”, cơ quan này cho biết.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố kêu gọi các bên giao tranh ở Sudan ngay lập tức ngừng bắn và trở lại đàm phán: “Các thành viên Hợp đồng Bảo an kêu gọi các bên lập tức ngừng thù địch và trở lại đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sudan”.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phát viện trợ nhân đạo đến khu vực này và tái khẳng định cam kết đối với sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trên đường đến Nhật Bản dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tại Sudan, đồng thời kêu gọi các nước có ảnh hưởng phối hợp để chấm dứt tình trạng này.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đã tham vấn những người đồng cấp Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về các diễn biến mới nhất tại Sudan. Các bên đã nhất trí rằng điều quan trọng hiện nay là các bên giao tranh cần ngay lập tức chấm dứt thù địch vô điều kiện.
Tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan.
Mộc Miên(T/h)