Kênh RT đưa tin các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF đã nổ ra tại thủ đô Khartoum ngày 15/4.
Trước đó, theo tuyên bố của RSF, các tay súng của họ đã chiếm giữ Phủ tổng thống và sân bay quốc tế.
Đơn vị bán quân sự cũng tuyên bố giành kiểm soát căn cứ quân sự Merowe ở phía Bắc và gây thương vong lớn cho quân đội Sudan.
Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan xác nhận quân đội đang kiểm soát Phủ Tổng thống, trụ sở quân đội và sân bay.
Vào đầu giờ sáng 16/4, những người chứng kiến đã nghe thấy tiếng pháo hạng nặng bắn trên khắp Khartoum, Omdurman và Bahri gần đó, đồng thời cũng có tiếng súng ở thành phố Port Sudan bên Biển Đỏ, nơi trước đó không có báo cáo nào về giao tranh, theo TTXVN.
Hiệp hội Bác sĩ Sudan báo cáo, ít nhất 56 thường dân đã thiệt mạng và 595 người, bao gồm cả các chiến binh, đã bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra hom 15/4.
Nhiều quân nhân cũng thiệt mạng, nhưng con số cụ thể không được đưa ra do thiếu thông tin trực tiếp từ nhiều bệnh viện nơi những người bị thương vong được.
Nhóm trước đó cho biết họ đã ghi nhận những cái chết tại sân bay Khartoum và Omdurman, cũng như phía tây Khartoum ở các thành phố Nyala, El Obeid và El Fasher.
RSF tuyên bố đã chiếm giữ Dinh Tổng thống, tư dinh của chỉ huy quân đội, đài truyền hình nhà nước và các sân bay ở Khartoum, thành phố phía Bắc Merowe, El Fasher và bang Tây Darfur. Trong khi đó, quân đội Sudan đã bác bỏ những khẳng định trên.
Không quân Sudan đã kêu gọi người dân nước này ở trong nhà trong khi lực lượng này thực hiện cuộc thanh sát trên không đối với các khu vực hoạt động của lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Và một ngày lễ được tuyên bố ở bang Khartoum vào ngày 16/4, trường học, ngân hàng và văn phòng chính phủ đóng cửa.
Tiếng súng và tiếng nổ có thể được nghe thấy trên khắp thủ đô, nơi các đoạn phim truyền hình cho thấy khói bốc lên từ một số quận và các video trên mạng xã hội ghi lại cảnh các máy bay quân sự bay thấp trên thành phố, ít nhất một chiếc dường như đã bắn tên lửa.
Các lực lượng vũ trang cho biết, họ sẽ không đàm phán với RSF trừ khi lực lượng này giải thể.
Một cuộc đối đầu kéo dài có thể đẩy Sudan vào xung đột lan rộng khi nước này phải vật lộn với tình trạng suy sụp kinh tế và bạo lực, gây ảnh hưởng tới các nỗ lực tiến tới bầu cử.
Căng thẳng giữa quân đội Sudan và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết thỏa nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước, theo VTV News.
Thùy Dung (t/h)