Giang hồ đất Cảng (kỳ 8): Tội ác trên đường trốn chạy của 2 phạm nhân khét tiếng
Giang hồ đất Cảng (kỳ 9): Cuộc đấu súng nghẹt thở trên chuyến phà An Thái
Giang hồ đất Cảng (kỳ 10): Kỳ “híp” và tham vọng lập băng cướp khét tiếng
Giang hồ đất Cảng (kỳ 11): Nghẹt thở màn truy bắt "ông trùm" Kỳ "híp"
Giang hồ đất Cảng (kỳ 12): Khi các ông trùm, bà trùm làm kinh tế
Cuộc gặp gỡ của “cặp bài trùng giang hồ đất Cảng”
Vào những năm 90 của thế kỉ XX, tại đất Cảng, giới giang hồ bắt đầu “lấn sân” vào làm kinh tế. Phức tạp nhất phải kể đến thế lực của các ông trùm, bà trùm trong vai trò bốc xếp ở các bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay…đồng thời ép giá, cưỡng đoạt tài sản của các tiểu thương. Các đối tượng đã lợi dụng thỏa thuận dân sự để đưa “luật giang hồ” vào trong hoạt động bốc vác hàng hóa. Ranh ma hơn, để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, các đối tượng lưu manh đã tạo vỏ bọc qua các mô hình như “Tổ bốc xếp”, “Tổ dịch vụ” hoặc tự hình thành mô hình hợp tác xã để ép tiểu thương, người dân.
Thời điểm đó, mỗi lần nhắc tới địa danh bến xe Tam Bạc, Niệm Nghĩa, cầu Rào, khiến nhiều người dân đất Cảng cũng phải lắc đầu sợ sệt. Bởi ở đây sản sinh rất nhiều nhóm “Tổ bốc xếp” đặt ra “luật rừng” yêu cầu chủ hàng, lái xe, khách phải tuân theo.
Nổi lên trong số đó là cặp đôi khét tiếng do Nguyễn Văn Tiến (tức Tiến “khứa”) và Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “máy”) cầm đầu. Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1963, trú tại ở Quán Trữ, Kiến An, TP. Hải Phòng. Từ nhỏ, Tiến đã tỏ ra bướng bỉnh, thích kết thân với những kẻ có “số má” trong khu. Chẳng mấy chốc, Tiến đã có trong tay nhiều “mánh khóe” làm ăn của các “dân anh chị”. Khác hẳn với những tên giang hồ đất Cảng khác, Tiến “khứa” mang vẻ ngoài rất đẹp trai, thư sinh, cùng sự lạnh lùng, ít nói. Nhưng bên trong vẻ ngoài mảnh khảnh ý là sự hiểm ác đến thâm độc. Mỗi khi không vừa ý, Tiến “khứa” chỉ cần nhíu mày, giật giật hàng ria con kiến, lập tức đàn em của hắn sẽ lao vào “xử” đối thủ.
Trong quá trình lang bạt khắp chốn, Tiến “khứa” vô tình gặp và kết thân với Nguyễn Anh Tuấn, tức Tuấn “máy”. Anh Tuấn sinh năm 1970, ở phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Hải Phòng. Nhà gần bến xe, từ nhỏ Tuấn “máy” đã tiếp xúc với nhiều thành phần bất hảo nơi đây. Có lẽ vì vậy, Tuấn “máy” luôn mang vẻ lì lợm, bặm trợn cùng đôi mắt sắc lẹm khi gặp các đối thủ. Với bản tính côn đồ, “chẳng ngán 1 ai”, nên khi gặp được Tiến “khứa”, cả 2 đã trở thành cặp đôi thân thiết, mang cùng ước mơ được “khởi nghiệp” tại bến xe đất Cảng.
Sau nhiều lần nhỏ to tâm sự, cả hai rắp tâm lập ra một “Tổ bốc xếp” tại bến xe Niệm Nghĩa, nơi Tuấn “máy” hiểu rõ từng góc nhỏ của địa bàn này. Để tăng thêm sức mạnh cho “Tổ bốc xếp”, Tiến “khứa” cùng Tuấn “máy” ra sức chiêu mộ các đàn em có máu mặt tại Hải Phòng. Bằng độ “nổi tiếng” của mình, chỉ trong 1 thời gian ngắn, cặp đôi này đã thu nạp nhiều đối tượng lưu manh, võ biền như: Ngô Quốc Hùng (tức Hùng “bún”); Nguyễn Trung Hải (tức Hải “bia”), sinh 1958, trú tại Trần Nguyên Hãn; Nguyễn Văn Toàn (tức Toàn “tỉnh”), sinh 1960, trú tại phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân; Trần Hữu Tuấn (tức Tuấn “lư”), sinh 1959, trú tại Phạm Phú Thứ, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, cùng đám ong ve khác tại đất Cảng.
Trong đám đàn em của Tiến “khứa” và Tuấn “máy”, nổi trội lên Ngô Quốc Hùng, tức Hùng “bún”. Mọi người rất dễ nhận ra hắn trong nhóm bởi đôi mắt một mí. Dưới bàn tay đào tạo của 2 ông trùm, Hùng “bún” sẵn sàng cho đối thủ “bay màu” nếu không làm hắn vừa lòng. Có một người chở xích lô chỉ vì dám làm trái ý, Hùng “bún” đã thẳng thừng ra tay, trổ vài ngón đòn làm nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.
“Luật giang hồ” của “Tổ bốc xếp”
Mang danh là bốc xếp, nhưng nhóm đối tượng tụ tập, lập ra “luật” riêng đi phạt vạ, trấn lột lái xe và hành khách trong bến. Những ai dám chống đối, phản ứng lại đều bị “Tổ bốc xếp” “xử” bằng “luật giang hồ” do chúng tự tạo. Cứ thế, “Tổ bốc xếp” biến bến xe Niệm Nghĩa trở thành lãnh địa riêng. Nhóm đối tượng còn ra những thứ “luật” quái đản bắt buộc các chủ hàng, lái xe và hành khách phải tuân theo. Nếu ai chống đối, cứ theo từng “điều luật” mà chúng hành xử.
Trước sự manh động, trắng trợn của “Tổ bốc xếp” của Tiến “khứa”, Tuấn “máy”, năm 1993, Công an Trạm bến xe Niệm Nghĩa phối hợp với Ban quản lý bến đã từng sắp xếp lại đội ngũ “bốc xếp” này. Hằn học khi miếng cơm bị de dọa, lập tức, hai kẻ côn đồ đã “điều” đàn em, bịt kín mặt, ngầm cầm dao chém nhiều nhát Trưởng Công an Trạm ngay giữa ban ngày.
Đối với cánh lái xe khó bảo, “Tổ” không chỉ lôi “luật giang hồ” ra dọa, Tiến “khứa” và Tuấn “máy” còn sai các đàn em sẽ thay phiên nhau “khủng bố” bằng cách chọc thủng lốp xe. Nếu vẫn chưa được, chúng sẽ ra mặt, ép bằng được lái xe phải đưa hàng vào bến để giải quyết theo “luật”. Lái xe nào tự ý cho dỡ hàng ngoài bến hoặc chở hàng qua rồi đi nơi khác phải nộp tiền bốc xếp, theo giá cả chúng định đoạt. Ai dám phản đối, theo hiệu lệnh của đại ca Tiến “khứa”, Tuấn “máy” sẽ bị nhóm đàn em “xử lý” thẳng tay.
“Tổ bốc xếp” của Tiến “khứa” và Tuấn “may” còn lộng hành đến mức hành khách đến bến xe cũng là nhóm đối tượng chúng nhắm tới. Thậm chí, nhiều người chỉ có mỗi túi xách gọn gàng, không có nhu cầu phải bốc xếp nhưng bọn chúng vẫn chặn lại, đòi tiền. Nói chuyện lý lẽ sẽ bị bọn này lên xe, lôi xuống, kể cả lúc xe lăn bánh. Đã có hàng trăm hành khách không có tiền nộp, phải chịu cảnh xuống xe không được di chuyển.
Không thể nhịn mãi trước những hành vi ngang ngược của đám người “Tổ bốc xếp”, nhiều lái xe, chủ hàng và hành khách thường xuyên phải đi qua lại bến xe Niệm Nghĩa đã viết đơn thư tới các cơ quan bảo vệ pháp luật tố cáo hành vi phạm tội của chúng. Và “Tổ bốc xếp” hoành hành bến xe Niệm Nghĩa nhanh chóng vào tầm ngắm của H88, phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hải Phòng...
Còn nữa...