Một tập đoàn đa quốc gia với những dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD có thể không phải đóng đồng thuế nào hoặc đóng còn không bằng một tạp hóa vỉa hè. Thực tế này đang diễn ra khi cuộc chiến chống chuyển giá vẫn cực kỳ gian nan.
Xem video:
Đây cũng chính là nghi vấn chuyển giá, lách thuế mà dư luận hiện đang đặt ra với rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đang kinh doanh tại Việt Nam. Những nghi vấn chuyển giá “đình đám” này đang đặt ra vấn đề công bằng thuế: Tại sao lãi thật trong khi khai lỗ giả để không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp?
Đâu sẽ là hành lang pháp lý để xử lý vấn nạn chuyển giá, lách thuế đang gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước?
Năm 2002, khi đầu tư vào Việt Nam, Metro đã được nhận rất nhiều ưu đãi về thuế, giá thuê đất, mặt bằng tốt để xây dựng siêu thị. Đối với thuế, công ty này được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50\% trong 2 năm kể từ khi có lãi.
Tuy nhiên suốt 12 năm kinh doanh ở Việt Nam, Metro chỉ báo lãi 1 lần duy nhất, điều đó đồng nghĩa với việc suốt gần 12 năm Metro không đóng bất kỳ số tiền nào từ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, dù liên tiếp mở tới 19 siêu thị trải dài trên cả nước.
Không đóng thuế, nhưng Metro tại Việt Nam đã sống rất khỏe và liên tiếp mở nhiều chi nhánh. Trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đóng thuế đầy đủ lại phát triển cầm chừng, thậm chí èo uột.
Ngoài thua kém về vốn và công nghệ thì số tiền mà doanh nghiệp Việt đầu tư cho quảng bá hiện nay cũng đang rất hạn chế. Thậm chí lép vế so với doanh nghiệp ngoại. Đơn cử như Cocacola, Pepsi, hai đơn vị có hơn 80\% thị phần nước giải khát tại Việt Nam . Để có vị trí thống lĩnh này là không biết bao nhiêu trăm, nghìn tỷ đồng chi cho quảng cáo, những số tiền đáng nhẽ dành cho đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo cách này, nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ dần bị bóp nghẹt, còn người tiêu dùng phải chịu hậu quả của sự độc quyền.
Trong 8 tháng năm 2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá đa phần chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước. Điều đó là cần thiết. Song cùng với việc kêu gọi đầu tư nước ngoài chúng ta cũng cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng tính minh bạch, bình đẳng, tránh thất thu thuế cũng cần thiết không kém, bởi nó mang tính sống còn với các doanh nghiệp nội khi chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường thế giới./.