(ĐSPL) - Sau khi nắm bắt được tình trạng khai thác gỗ lậu ở địa bàn xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nóng trở lại, PV báo Đời sống và Pháp luật đã vượt quảng đường khá xa để có mục sở thị về thực trạng gỗ lậu nơi đây. Qua đó đã ghi nhận được những chiêu thức khai thác và vận chuyển gỗ trái phép hết sức tinh vi của một số người dân bản địa.
Trước đó, chúng tôi đã đăng tải đến bạn đọc bài viết Đột kích điểm nóng khai thác gỗ lậu tại một xã vùng biên, cung cấp một số thông tin phản ánh tình trạng khai thác gỗ lậu tại xã Hương Lâm.
Hương Lâm vốn là một địa danh nổi tiếng bởi từng được biết đến như một điểm nóng về gỗ lậu. Hơn 2/3 số người dân của xã kinh tế đều phụ thuộc vào gỗ và rừng. Những đầu nậu cộm cán trong nghề buôn lậu gỗ lậu ở đây cũng khá nhiều. Hình ảnh đầu tiên, khi đến với xã vùng núi là cảnh tượng gỗ lậu có mặt ở khắp nơi. Hàng đống gỗ lộ thiên hai bên đường, trong mỗi khu vườn, từ đầu làng đến cuối xóm.
Tiếp tục đột kích vào điểm nóng này, theo ghi nhận của chúng tôi, để khai thác được gỗ từ các nơi khác về, các lâm tặc thường tổ chức thành từng nhóm, mang theo đồ ăn thức uống, lều bạt và những phương tiện hành nghề khác. Mỗi chuyến đi để mang được gỗ từ rừng núi về phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Bởi gỗ quý hiếm, có nhiều giá trị thường nằm ở rừng sâu, hiểm trở. Vận chuyển được gỗ ra khỏi rừng là một chuyện không hề dễ dàng, cần phải có nhiều người hợp sức lại. Phải đi bộ gần 3 ngày, qua bao nhiêu núi rừng mới đến được chỗ có nhiều gỗ quý.
“Ở đây không còn nghề gì để kiếm sống anh à!. Chỉ có duy nhất nghề đi gỗ là đem lại kinh tế nuôi sống cả gia đình. Bọn em thường đi theo nhóm. Mỗi nhóm khoảng 10 đến 15 người, kết thành một bè gỗ lớn. Sau đó sẽ hợp sức đưa gỗ ra khỏi rừng, đóng thành bè và thả để cho trôi theo dòng nước sông Rào về nhà. Mùa này nước sông cạn nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Khi gỗ về đến Hương Lâm sẽ bán lại cho các đầu nậu mang đi tiêu thụ”, một lâm tặc chia sẻ.
Bãi tập kết gỗ lậu được phát hiện tại sông Rào, thuộc xã Hương Lâm. |
Người này cũng cho biết thêm, mỗi chuyến đi xa thường kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Mỗi bè gỗ có 5 đến 6 người đứng ra làm chủ, thuê những người khác làm công. Những người làm chủ thường là những người có khả mua nợ được các quán hàng. Nghĩa là họ bỏ vốn ra mua vật liệu và các thiết bị như xăng dầu, gạo, đồ ăn trang trải cho một chuyến đi. Khi hết thức ăn, nguyên liệu thì sẽ cho người về mang đến.
Những người chủ cùng chung vốn, sau đó sẽ cùng nhau chia lợi nhuận. Họ dựng lều ngay trong rừng, tìm gỗ khai thác theo đơn đặt hàng hoặc những loại gỗ bán được giá. Với phương tiện chủ yếu là cưa xăng, mỗi ngày họ khai thác được từ 3m3 đến 4m3gỗ.
Chi phí cho mỗi chuyến đi thường rất cao, và dù nguy hiểm, rủi ro nhưng người dân Hương Lâm vẫn bất chấp tính mạng. Bởi theo họ, đây là nghề duy nhất mang lại thu nhập cho bà con. "Làm nghề khai thác gỗ lậu ở đây rủi ro rất cao, nếu chẳng may bị lực lượng chức năng phát hiện và thu hồi thì coi như mất trắng cả chì lẫn chài", một lâm tặc khác cho biết.
Cũng theo lâm tặc này, vùng rừng thuộc xã Hương Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) cơ bản đã bị lâm tặc khai thác triệt để. Do đó, từ những ngày đầu tháng 10 vừa qua, rất đông người dân thuộc xã Hương Lâm đã đồng loạt rủ nhau lên những cánh rừng thuộc đất Lào, giáp Quảng Bình đốn gỗ.
Tuy nhiên, có một nhóm người, trong một lần vận chuyện gỗ về bãi tập kết đã bị kiểm lâm Huyện Hương Khê phát hiện và thu hồi. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ vào gỗ coi như đã mất hết.
Video tham khảo:
Bắt giữ 220 phiến gỗ lậu ở khu rừng biên giới
Nhóm người này kết thành 5 bè gỗ lớn với hơn 70 người tham gia vận chuyển. Khi bè trôi về đến bãi tập kết thuộc sông Rào của xã Hương Lâm thì bị kiểm lâm phát hiện và bắt giữ. Được biết nhiều hộ gia đình đã làm liều, bỏ hết toàn bộ vốn đi khai thác gỗ lậu nay chẳng có tiền để trả cho quán hàng, trả cho người làm công suốt mấy tháng qua. Một thanh niên tên T. (SN 1996) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em đi chặt gỗ thuê cho người ta nhưng xui xẻo quá. Họ hứa sau khi đưa gỗ về và bán cho đầu nậu thì mới có tiền trả cho bọn em. Nhưng giờ họ bị tịch thu hết gỗ nên chúng em cũng chẳng giám đòi tiền. Bây giờ mốt số nhóm người khác vẫn còn đang trong rừng để khai thác".
Ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, khu vực xã Hương Lâm, từ nhiều năm nay luôn được coi là một điểm nóng về khai thác gỗ trái phép. Lợi dụng những ngày giáp Tết Nguyên Đán, bọn chúng đã vận chuyển gỗ bằng đường sông, đưa qua địa phận huyện Hương Khê để đưa đi tiêu thụ.