+Aa-
    Zalo

    Đột kích điểm nóng khai thác gỗ lậu tại một xã vùng biên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những năm qua, khu vực tiếp giáp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã trở thành điểm nóng khai thác, tàn phá rừng của lâm tặc.

    (ĐSPL) - Những năm qua, khu vực tiếp giáp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã trở thành điểm nóng khai thác, tàn phá rừng của lâm tặc.

    Sau khi nắm bắt được tình trạng khai thác gỗ lậu ở địa bàn xã Hương Lâm, huyện Hương Khê nóng trở lại, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc thâm nhập và tìm hiểu một đường dây khai thác gỗ lậu hết sức tinh vi thuộc địa bàn này. Để có mục sở thị về thực trạng gỗ lậu nơi đây, chúng tôi đã phải vượt quảng đường khá xa. Qua đó đã ghi nhận được những chiêu thức khai thác và vận chuyển gỗ trái phép hết sức tinh vi của một số người dân bản địa.

    Hương Lâm vốn là một địa danh nổi tiếng bởi từng được biết đến như một điểm nóng về gỗ lậu. Những đầu nậu cộm cán trong nghề buôn lậu gỗ lậu ở đây cũng khá nhiều. Hình ảnh đầu tiên, khi đến với xã vùng núi là cảnh tượng gỗ lậu có mặt ở khắp nơi. Hàng đống gỗ lộ thiên hai bên đường, trong mỗi khu vườn, từ đầu làng đến cuối xóm. Nếu vào đây lần đầu cũng rất dễ bắt gặp những người đàn ông trung tuổi đang vận chuyển một vài cây gỗ lớn, thoạt nhìn qua cũng đoán được những cây gỗ này còn tươi, vừa mới được đốn hạ từ một khu rừng nào đó. Và gỗ lậu xuất hiện ở Hương Lâm như một phần tất yếu của cuộc sống.

    Hàng đống gỗ lộ thiên hai bên đường.

    Đến địa điểm đầu tiên của xã Hương Lâm, PV đã bắt gặp ngay một tốp khoảng 5 người đàn ông đang dùng xe cải tiến hì hục đẩy những khúc gỗ lớn từ dưới chân núi lên. Thấy vậy, chúng tôi dừng chân bên đường, tiến đến để hỏi đường nhưng khi thấy người lạ, một thanh niên đã dừng công việc của mình, xông thẳng vào quát tháo, xua đuổi vì lo sợ một điều gì đó(?).

    Theo một đầu nậu cộm cán trong nghề buôn lậu gỗ nay đã hoàn lương, từ ngày xưa, người dân xã Hương Lâm sống chủ yếu dựa vào rừng và nay vẫn vậy. Hết rừng gần thì họ tìm rừng xa, vào Quảng Bình hoặc vượt biên giới sang tận Lào để khai thác gỗ, nuôi sống gia đình. “Cách đây 5 năm về trước gỗ được khai thác, vận chuyển, hay mua bán ở Hương Lâm đều diễn ra công khai, không lén lút. Chính quyền, các cơ quan chức năng ở đây, hình như xem đó là điều đương nhiên và tất yếu. Nhưng hai năm qua, các cơ quan làm chặt nên đã lắng xuống một thời gian, mới đây điểm nóng này bắt đầu đã trở lại”, người đàn ông này cho biết.

    Điều đáng nói ở đây, khi gỗ ở trên rừng được người dân vận chuyển về thì ngay sau đó những đầu nậu gỗ sẽ tìm đến để ra giá. Những đầu nậu sẽ tìm mọi thủ đoạn tinh vi để đưa gỗ ra khỏi vùng giáp ranh đầy nhạy cảm này.

    Bãi tập kết gỗ lậu được phát hiện tại sông Rào, thuộc xã Hương Lâm.

    Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hơn 2/3 số người dân thuộc xã Hương Lâm kinh tế đều phụ thuộc vào gỗ và rừng. Chính vì khai thác rừng một cách tàn khốc, không theo một cách thức nào nên rừng ở Hương Lâm đã được người dân nơi đây cạo trọc từ nhiều năm trước. “Hiện nay, gỗ ở những cánh rừng thuộc Hương Lâm và một số xã lân cận đã không còn một gốc nào. Gỗ chủ yếu được người ta khai thác từ những cánh rừng của Quảng Bình và Lào. Nhiều nhất, tập trung nhất vẫn là những cánh rừng của huyện Tuyên Hóa, thuộc vùng giáp ranh giữa Quảng với Hà Tĩnh. Vùng rừng này có nhiều loại gỗ quý như: sến, táu, de, lim…”.

    Ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, khu vực xã Hương Lâm, từ nhiều năm nay luôn được coi là một điểm nóng về khai thác gỗ trái phép. Mới đây, vào rạng sáng ngày 8/2/2015, lực lượng kiểm lâm và bộ đội biên phòng Hà Tĩnh trong quá trình tuần tra, đã phát hiện 220 bê gỗ quý, đang được bọn lâm tặc tập kết dọc bờ sông Rào, thuộc xã Hương Lâm. Số gỗ vô chủ trên, được bọn lâm tặc khai thác ở một khu vực rừng sát biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Quảng Bình. Lợi dụng những ngày giáp tết Nguyên Đán, bọn chúng đã vận chuyển gỗ bằng đường sông, đưa qua địa phận huyện Hương Khê để tiêu thụ thì bị phát hiện.

    Quá trình khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ lậu ở khu vực giáp ranh đầy nhạy cảm này sẽ được chúng tôi tiếp tục phản ánh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-kich-diem-nong-khai-thac-go-lau-tai-mot-xa-vung-bien-a83617.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan