Mặc dù danh sách bài thi được sửa điểm ở Hà Giang dài hơn Sơn La, 330 so với 139 bài, tuy nhiên Sơn La lại có thí sinh được nâng điểm “bạo tay” hơn hẳn.
Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đọc lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTXVN. |
Theo Vietnamnet, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Trước đó, ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo VKSND tỉnh Sơn La, đây mới là giai đoạn một của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm và môn Ngữ văn tự luận của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của hai cựu cán bộ công an tỉnh.
Hà Giang sửa số lượng bài thi nhiều hơn
Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT cho thấy ở Hà Giang có 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố bị sửa từ 1 điểm trở lên so với điểm thật. Tại Sơn La, tổ công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã tìm ra được 42 bài thi Ngữ văn thay đổi điểm thi.
Cùng với đó, với những môn thi trắc nghiệm, có 97 bài thi có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Như vậy Hà Giang có 330 bài thi được sửa điểm, trong khi đó Sơn La ít hơn, tổng cộng là 139 bài thi được nâng điểm.
Sơn La nâng điểm “bạo tay” hơn
Cũng theo Vietnamnet, ở Sơn La mức điểm được nâng "bạo tay" hơn hẳn, trong số đó, nhiều trường hợp được sửa thẳng từ 1 vài điểm lên tới mức rất cao. Chính vì vậy khi trả về điểm thật, nhiều thí sinh ở Sơn La khiến dư luận bàng hoàng vì điểm thi một số môn của các em đang từ “đỉnh cao” bỗng trở về “vực sâu”.
Điểm thật và điểm được nâng của thí sinh ở Sơn La. Ảnh: Thanh Niên |
Nguồn tin trên báo Thanh Niên cho hay dẫn đầu danh sách điểm lao dốc thảm hại là N.A.T (số báo danh 140008xx). Điểm thi của N.A.T trong lần công bố trước đây gồm: toán 9; lý 9; ngoại ngữ 9; tổng điểm thi 3 môn là 27. Sau khi chấm thẩm định, điểm của N.A.T còn: toán 0; lý 0,25; ngoại ngữ 0,20, tổng điểm 0,45/3 môn thi. Như vậy, N.A.T được nâng khống 26,55 điểm/3 môn thi.
Một thí sinh khác là P.T.S, số báo danh 140066xx có điểm được công bố trước đây gồm toán 9,6; sử 10; địa 7,25; giáo dục công dân 6; ngoại ngữ 9,6; văn 8. Với tổng điểm thi 3 môn tổ hợp C03 là 27,6 điểm, P.T.S nằm trong nhóm thí sinh có điểm thi khối C03 cao nhất đăng ký xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân.
Sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định, hầu hết các môn (trừ giáo dục công dân vẫn 6 điểm và văn vẫn 8 điểm) của P.T.S đều hạ xuống rất thấp, còn: toán 3,2; sử 4,25; địa 5,5, ngoại ngữ 1,2 (riêng ngoại ngữ P.T.S được nâng khống 8 điểm).
Trong số những thí sinh lao dốc đột ngột còn phải kể đến L.V.H, số báo danh 140003xx. Điểm công bố trước đây của L.V.H gồm: toán 8,8; sử 9,5; trong khi điểm sau thẩm định là toán 0, sử 3.
Với môn toán, Sơn La có 17 thí sinh được nâng khống 5 điểm trở lên mỗi em. Trong đó, 8 thí sinh được nâng từ 6,6 đến 9 điểm. Với môn ngoại ngữ, mức nâng cũng “bạo liệt” hơn, với 7 em được nâng khống từ 6,6 đến 8,8 điểm. Vì thế, dù điểm thật của các em chỉ được 1, 2, 3 điểm nhưng điểm công bố lần đầu em nào cũng đều trên 9 điểm ngoại ngữ.
Nhiều thí sinh là con em cán bộ các ngành công an (7 trường hợp) và giáo dục (12 trường hợp). Một số khác là con em các cán bộ có chức sắc ở địa phương. Phần lớn các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội.
Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, một số thí sinh đã lặng lẽ rời bỏ, không nhập học trường công an. Nhưng một số vẫn tiếp tục học. Khi có kết quả thẩm định, các trường công an đã “trả về địa phương” 25 thí sinh Sơn La.
Thanh Tùng(T/h)