+Aa-
    Zalo

    Giàn khoan 981 tạo tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mặc dù giàn khoan Hải Dương 981 đã được di dời ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu

    (ĐSPL) - Mặc dù giàn khoan Hải Dương 981 đã được di dời ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế.

    Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam là hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

    Từ ngày 2/5 đến ngày 15/7/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC), đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

    Việt Nam khẳng định có chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và mong muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Mặc dù giàn khoan Hải Dương 981 đã được di dời ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế.

    Ngày 26/7, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, với tư cách là một trung tâm nghiên cứu, đào tạo luật lớn của Việt Nam, đã phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lớn của các luật gia và luật sư trong nước, tổ chức Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”, tạo diễn đàn khoa học cho các chuyên gia, học giả phân tích, đánh giá một cách khách quan, nghiên cứu thấu đáo các khía cạnh pháp lý của sự kiện.

    Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của giới học giả trong lĩnh vực luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo gồm 50 học giả và 250 đại biểu, là những chuyên gia có uy tín của thế giới đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn của Mỹ, Nga, Italia, Thuỵ Sỹ, Bungari, Hungari, Ba Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Singapore, và các học giả Việt Nam. Đặc biệt, là các chuyên gia đã từng tham gia giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế với tư cách là Thẩm phán, Luật sư như Giáo sư luật quốc tế Alexander Yankov, nguyên Thẩm phán Toà án Công lý quốc tế, nguyên Thẩm phán Toà án quốc tế về Luật biển; bà Jeanne Mirer, Chủ tịch của Hiệp hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL).

    Hội thảo đã diễn ra với ba phiên thảo luận gồm 13 tham luận và nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp, tập trung vào các chủ đề (i) Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981; (ii) Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao trong luật pháp quốc tế; (iii) Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế.

    Các học giả đều chung nhận định rằng, Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch, có vị trí địa chính trị quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà còn với cả các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại quốc tế bình thường trên Biển Đông là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia.

    Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các học giả cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế, đe doạ hoà bình, an ninh của khu vực và thế giới.

    Thảo luận về các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp trong pháp luật quốc tế bao gồm các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, nhiều học giả đã đưa ra những phân tích, bình luận khoa học đánh giá về những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng các biện pháp này để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. TS. Trần Phú Vinh, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu tổng thể các biện pháp giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương LHQ gồm đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài quốc tế, Toà án quốc tế, và giải quyết trước các tổ chức quốc tế bằng các hiệp khu vực.

    Các học giả thống nhất nhận định các biện pháp chính trị ngoại giao là giải pháp đặc biệt quan trọng được quy định trong luật quốc tế và cụ thể là Điều 33 khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp quốc, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong luật quốc tế. Chính vì vậy, phần lớn các tranh chấp quốc tế từ trước đến nay, trong đó có tranh chấp về lãnh thổ đã được các quốc gia sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết.

    Nhiều học giả cho rằng, ASEAN nên giữ một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; ủng hộ các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); duy trì sự đoàn kết trong ASEAN. Các học giả cũng đề cao vai trò của các đối tác ngoài khu vực trong việc hỗ trợ các nước ASEAN giải quyết xung đột ở Biển Đông; là trung tâm hoà giải các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên cũng như tranh chấp giữa các quốc gia thành viên với các quốc gia ngoài ASEAN, phát huy “quyền lực mềm” của ASEAN.

    Một số chuyên gia, học giả đến từ Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines đã trình bày kinh nghiệm của các quốc gia sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp. GS. Hikmahanto Juwana, Indonesia đã phân tích một số kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp biên giới trên biển của một số nước và cho rằng Việt Nam cần đánh giá đầy đủ các chứng cứ pháp lý, cần phải tính tới sức mạnh tổng hợp của dư luận quốc tế trong việc ủng hộ các tuyên bố của Việt Nam.

    GS. Makane Moise, Thuỵ Sỹ đã đưa ra những phân tích, bình luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc đưa các vụ tranh chấp giữa các quốc gia ra trước Hội đồng Bảo an, Đại Hội đồng LHQ và Toà án Công lý quốc tế để Việt Nam tham khảo và vận dụng vào thực tiễn hiện nay.

    GS. Chang Shin, Hàn Quốc đã trình bày tham luận phát triển nguyên tắc khu vực về thượng tôn pháp luât, nêu bật các đặc điểm về tranh chấp lãnh thổ, biển  ở châu Á; cho rằng cần phải thiết lập hệ thống các nguyên tắc trên tinh thần thượng tôn pháp luật để giải quyết các tranh chấp, bất đồng. Bên cạnh đó, các học giả đã phân tích những ưu điểm và hạn chế của các Toà án thường trực, trong đó có Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) về cơ chế xác lập thẩm quyền, cơ chế cưỡng chế thi hành các phán quyết của ICJ…

    Hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” đã thông qua Kết luận Hội thảo, với những kiến nghị, đề xuất nhằm góp tiếng nói độc lập, khách quan, khoa học của các chuyên gia pháp luật quốc tế, đề xuất những biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gian-khoan-981-tao-tien-le-xau-trong-quan-he-phap-ly-quoc-te-a43067.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan