Những lý do để Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm hơn kế hoạch là rất phức tạp nhưng đã để lộ ra ý đồ của Bắc Kinh.
Vào ngày 15/7, Trung Quốc thông giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành hoạt động thăm dò thương mại và sẽ được kéo trở lại Hải Nam. Việc di rời giàn khoan đã sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu là 15/8. Có thể thấy động thái này là sự thay đổi chiến thuật trong chính sách của Trung Quốc: chuyển từ đối đầu trên biển sang đối thoại chính trị và ngoại giao.
Dưới đây là 4 lý do mà Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australi đưa ra để trả lời cho câu hỏi tại sao Trung Quốc lại di rời giàn khoan sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng:
Chấm dứt hoạt động thương mại bình thường
|
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc dịch chuyển sớm hơn dự kiến |
Các quan chức ngành công nghiệp dầu của Trung Quốc đã đưa ra 2 lý do giải thích cho việc chấm dứt các hoạt động thương mại ban đầu và đưa Hải Dương 981 tới đảo Hải Nam. Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, “các hoạt động khoan dầu và thăm dò của Dự án Zhongjiannan đã hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 15/7 với việc phát hiện ra dầu và khí gas”. Trong thời gian Hải Dương 981 hoạt động, giàn khoan này đã khoan thăm dò được 2 giếng dầu.
Mặc dù các nhà khoa học Mỹ tuyên bố khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa không có dấu hiệu của hydrocacbon nhưng các nhà phân tích an ninh hàng hải khi quan sát ảnh vệ tinh của Hải Dương 981 cuối tháng 5 đã chỉ ra giàn khoan đã phát hiện ra hydrocacbon. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng khoảng 10\% lượng dầu khí sẽ được dùng cho mục đích thương mại.
Tránh bão Rammasun và đảm bảo an toàn
Tin tức trên Tân Hoa Xã ngày 16/7 đã đưa ra lý do thứ hai: Trung Quốc di rời giàn khoan để tránh cơn bão sắp xảy ra.
Bài báo dẫn lời Qiu Zhongjian, một nhà địa chất học đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc: khi bắt đầu chương trình khoan dầu của Hải Dương 981, người ta đã tính đến “tai biến địa chất, các vấn đề kỹ thuật và những cơn bão có thể xảy ra”. Tân Hoa Xã kết luận: “vì lý do an toàn, các hoạt động thử nghiệm sẽ không thể tiếp tục bởi tháng 7 là bắt đầu mùa mưa bão”.
Một số nhà phân tích và bình luận cho rằng bão Rammasun không thể đe dọa đến Hải Dương 981. Họ cho rằng giàn khoan được thiết kế có thể chịu được bão. Nhưng một bài viết trên Samuels International đã chỉ ra rằng “giàn khoan đã trải qua quá trình sửa chữa vào năm 2013 và có thể không chịu được bão cường độ cao trong mùa mưa bão”.
Nhưng điều mà hầu hết các nhà bình luận đều bỏ qua là cơn bão Rammasun là mối đe dọa cho hạm đội hơn 100 tàu thuyền đang làm nhiệm vụ hộ tống Hải Dương 981 của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc rõ ràng là đã quyết định phải thận trọng khi đưa ra hành động di rời giàn khoan. Hải Dương 981 được kéo trở lại vùng lân cận của đảo Hải Nam và lực lượng hải quân hộ tống đã tìm nơi neo đậu an toàn ở các cảng gần đó.
Áp lực chính trị và ngoại giao từ Mỹ
Bonnie Glasser, một nhà phân tích Trung Quốc hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết bà “không loại trừ khả năng người Trung Quốc rút giàn khoan để tìm cách xoa dịu căng thẳng với Việt Nam”.
Các nhà phân tích khác cũng cho rằng việc này là do áp lực từ Mỹ. Họ đưa ra ví dụ cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược được tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 9-10/7, hay Nghị quyết S.RES.412 được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 10/7 kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền, lời kêu gọi đóng băng các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc của Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs tại hội nghị CSIS lần thứ tư trên Biển Đông vào ngày 11 và cuộc điện đàm giữa tổng thống Barack Obama và ông Tập Cận Bình vào ngày 14/7.
Tuy nhiên, sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi đã lên tiếng bác bỏ việc Trung Quốc di rời giàn khoan là do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài. Ông này cho biết Hải Dương 981 đã hoàn thành chương trình khoan dầu sớm hơn và “không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài”.
Ngăn Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc
Theo giáo sư Carl Thayer, lý do thứ tư được đưa ra là: Bắc Kinh rút giàn khoan để ngăn các mối quan hệ với Hà Nội ngày một tệ đi khiến Việt Nam có thể sẽ thực hiện những hành động pháp lý chống lại Trung Quốc.
Ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã muốn giải quyết bằng con đường ngoại giao hòa bình. Việt Nam lập tức yêu cầu kích hoạt đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước song yêu cầu này bị từ chối.
Tại Đối thoại Shangri-La, Việt Nam đã nỗ lực để đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhưng cho đến nay, phía Bắc Kinh vẫn không hồi đáp.
Ngày 18/6, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Dương Khiết Trì tới Hà Nội để tham dự cuộc họp thường niên của Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt-Trung. Các buổi thảo luận giữa ông Dương và người đồng cấp Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều xoay quanh vấn đề Biển Đông. Trong bài phát biểu của mình, ông Dương khuyến cáo Việt Nam không nên có những hành động pháp lý để chống lại Trung Quốc vì lợi ích cữu vãn mối quan hệ song phương giữa 2 nước.
Ngoài ra, ông Dương Khiết Trì còn có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là những cuộc họp đặc biệt quan trọng để 2 bên có thể tìm giải pháp thoát khỏi bế tắc hiện nay.
Lo ngại Việt Nam sẽ ngày càng thân thiết hơn với Mỹ, Trung Quốc quyết định rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng tranh chấp sớm hơn, theo giáo sư Carl Thayer.
Hành động của Trung Quốc trong việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông, chuyển từ đối đầu trên biển sang đối thoại ngoại giao nhằm cắt đứt nỗ lực của Mỹ khi muốn thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế tại Hội nghị Bộ trưởng của Diễn đàn Khu vực ASEAN sắp diễn ra vào tháng 8.
Động thái này của Trung Quốc cũng được thành viên các nước ASEAN- những nước đang lo lắng về sự quyết đoán, hung hăng gần đây của Trung Quốc và không muốn đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh hoan nghênh.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/4-ly-do-tq-di-roi-gian-khoan-hai-duong-981-som-hon-du-kien-a42394.html