Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông để hạn chế chi phối ngân hàng
Báo VnExpress đưa tin, ngày 15/1, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường. Một trong bốn nội dung được xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này là dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật sau chỉnh lý, tiếp thu, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng nhưng Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa và điều kiện mua.
Quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng lần này được giữ nguyên như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2023. Tuy nhiên, thảo luận trước đó có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10% bởi có thể gây xáo trộn không cần thiết, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng. "Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.
Cùng đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.
Tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, báo Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại dự thảo Luật tác động như sau: việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10% vốn điều lệ tại dự thảo Luật dẫn đến có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng TMCP, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.
Để tránh sự xáo trộn không cần thiết cũng như tác động tiêu cực như ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại dự thảo Luật cũng đã quy định chuyển tiếp tại khoản 11 Điều 210, trong đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam và ông Nguyễn Viết Trung, Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược.
Cụ thể, các cổ đông sẽ phải tìm phương án để đáp ứng được quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, và vì thế tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của chính cổ đông đó. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ củan tổ chức tín dụng, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông của tổ chức tín dụng khi tiến hành biểu quyết. Xét một cách toàn diện, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phải cân nhắc tính ổn định của các cổ đông hiện hữu, và phải được đánh giá tác động một cách tổng thể.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo. Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông sở hữu không quá 15- 20% vốn ngân hàng như quy định hiện nay, không ai có thể chi phối được quyền cấp tín dụng của ngân hàng. Song tại nhiều ngân hàng, nhóm cổ đông vẫn sở hữu quá 50% vốn ngân hàng, làm khuynh đảo ngân hàng.
Vân Anh(T/h)