Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Hiểu rõ về táo bón sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm, nhằm tránh tình trạng táo bón lâu ngày có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về đường tiêu hóa như trĩ, các bệnh về hậu môn trực tràng.
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể
Khi cơ thể bị mất nước thường xuyên có thể dẫn đến bệnh táo bón. Chính vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh táo bón, bạn nên chú trọng đến việc cung cấp và giữ đủ nước cho cơ thể.
Bệnh táo bón có thể giảm nhẹ hơn khi bạn nhanh chóng bù nước cho cơ thể, chẳng hạn như uống nước có ga. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nước có ga có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh táo bón hơn so với nước máy. Đặc biệt, nó cũng rất phù hợp để sử dụng cho những người mắc chứng khó tiêu, hoặc những người bị táo bón vô căn mãn tính (CIC).
Tuy nhiên, bạn không nên lựa chọn các loại đồ uống có ga chứa nhiều đường, chẳng hạn như nước ngọt, vì những loại đồ uống này thường tiềm ẩn những nguy cơ gây hại tới sức khỏe, thậm chí có thể khiến cho tình trạng táo bón của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Bổ sung chất xơ giảm táo bón
Chất xơ giúp làm tăng trọng lượng, kích thước của phân, làm mềm phân, giúp giảm táo bón.
Chất xơ được chia thành 2 loại chính, bao gồm chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan thường có nhiều trong lúa mạch, yến mạch, đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, các loại hạt và một số loại trái cây khác. Chúng có khả năng hấp thụ nước và tạo thành một loại gel hỗn hợp, giúp cải thiện độ đặc của phân và làm mềm phân hơn. Trong khi đó, các chất xơ không hòa tan được tìm thấy nhiều trong rau, cám lúa mì và một số loại ngũ cốc nguyên hạt. Loại chất xơ này có tác dụng giúp phân di chuyển nhanh và dễ dàng hơn qua hệ tiêu hóa của cơ thể.
Để ngăn ngừa bệnh táo bón, bạn nên tiêu thụ cân bằng giữa các chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Thông thường, tổng lượng chất xơ được khuyến nghị hàng ngày là 38g đối với nam giới và 25g đối với nữ giới.
Uống cà phê
Một số người cảm thấy sau khi uống cà phê, họ có cảm giác muốn đi vệ sinh hơn. Thực tế, điều này là do cà phê có chứa chất cafein làm kích thích các cơ trong hệ tiêu hóa.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, uống cà phê chứa cafein có thể kích thích các cơ tiêu hóa mạnh hơn 60% so với uống nước lọc, và khoảng 23% so với việc uống cà phê không có caffein. Ngoài ra, trong cà phê cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan, giúp cải thiện sự cân bằng các vi khuẩn ở đường ruột và ngăn ngừa được tình trạng táo bón.
Tuy nhiên, caffein có thể không tốt đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, vì nó có thể làm xấu đi các triệu chứng tiêu hóa. Do đó, những bệnh nhân IBS nên loại bỏ cafein khỏi chế độ ăn uống của mình.
Mận khô
Mận khô được xem là một giải pháp tự nhiên giúp chữa táo bón hiệu quả. Sở dĩ, trong mận khô không chỉ chứa chất xơ mà còn bao gồm cả sorbitol – một loại rượu đường có tác dụng nhuận tràng. Thậm chí, chất xơ trong mận khô còn mang lại hiệu quả hơn so với chất xơ khác như psyllium.
Bạn nên sử dụng trung bình khoảng 7 quả mận (tương ứng với 50g) vào hai lần mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh táo bón. Tuy nhiên, rượu đường có trong mận khô thuộc loại thực phẩm FODMAP cao, do đó nó có thể không phù hợp dành cho những người mắc IBS.
Thùy Dung(t/h)