Theo trình bày của Giám đốc sở Y tế Quảng Nam, việc mua máy xét nghiệm Covid-19 là nhu cầu và cấp thiết kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh thứ 17 tại Hà Nội.
Theo Dân trí, chiều 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp để nghe báo cáo về công tác mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động được mua với giá hơn 7,2 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao.
Trình bày với lãnh đạo tỉnh về việc máy xét nghiệm Realtime PCR được mua với mức giá "trên trời" - hơn 7 tỷ đồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết, việc mua máy là nhu cầu và cấp thiết kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh thứ 17 (tại Hà Nội). Lúc đó Quảng Nam chưa có máy xét nghiệm này nên luôn phải gửi mẫu đi Hà Nội, Nha Trang làm xét nghiệm, 2,5 – 3 ngày mới có kết quả. Trong khi đó, từ ngày 16/3, Quảng Nam được xác định ở trong tình huống nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, khi liên tiếp có các ca bệnh thứ 31, 33, 57 trên địa bàn.
Từ ngày 3-15/3, ngành y tế tỉnh liên tục lấy mẫu các trường hợp để xét nghiệm vì tình trạng quá tải ở Viện Pasteur Nha Trang. Ngày 13/3, sở Y tế có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động. Ngày 6/3, thường trực UBND và Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc họp, thống nhất mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động từ nguồn ngân sách địa phương để phục vụ công tác chống dịch.
“Chủ trương mua sắm được quyết định kịp thời vì yêu cầu của công tác chống dịch, việc xét nghiệm tại chỗ trở nên bức thiết. Diễn biến dịch cũng cho thấy phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm”, ông Hai phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam báo cáo về công tác mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động. Ảnh: Dân trí |
Lãnh đạo Quảng Nam thống nhất, trong vòng chưa tới 20 ngày phải cải tạo cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm đủ chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực… để có thể xét nghiệm tại địa phương. Từ ngày 1/4, Quảng Nam đã tiến hành trên 3.800 lượt xét nghiệm.
Cũng theo ông Hai, hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động cũng được sử dụng để xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm khác như HIV, HCV, HBV, MTB, lậu, giang mai…
Giám đốc sở Y tế Quảng Nam cũng nêu các căn cứ, trình tự thủ tục để trang bị máy đúng các quy định của pháp luật. Sở Y tế đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn vì nếu đấu thầu rộng rãi sẽ tốn rất nhiều thời gian, không đảm bảo cho việc xét nghiệm phục vụ công tác chống dịch…
Về vấn đề giá máy, sở Y tế Quảng Nam đã xem xét 3 báo giá của 3 đơn vị, trong đó, đơn giá 7,56 tỷ/máy là thấp nhất, do Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt báo giá. Các cơ quan cũng đối chiếu mức giá này với giá trúng thầu của các địa phương đã mua sắm hệ thống thiết bị tương tự trước đó là sở Y tế Quảng Ninh (8,4 tỷ đồng, kí hợp đồng ngày 1/3), CDC Hà Nội (7 tỷ đồng, kí hợp đồng ngày 3/3).
Từ những căn cứ đó, sở Y tế trình sở Tài chính tỉnh thẩm định dự toán. Cuối cùng, sở Y tế đàm phán lại, "chốt" được mức giá máy còn 7,23 tỷ đồng. Trong quá trình chạy thử máy xét nghiệm Realtime PCR tự động, sở Y tế chưa nghiệm thu, chưa tạm ứng cho đơn vị cung cấp máy.
Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt, trình bày tại cuộc họp. Ảnh: Dân trí |
Liên quan tới sự việc này báo Tuổi trẻ đưa tin, bà Lê Thị Tuyến - Giám đốc Công ty Giải pháp Việt, đơn vị trúng thầu gói máy xét nghiệm trên cho biết, từ tháng 3/2020, công ty đã chủ động gửi báo giá và cấu hình máy tới sở Y tế Quảng Nam với nguyện vọng chung tay phòng chống dịch.
Vào thời điểm này, các trang thiết bị máy móc, vật tư y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Và công ty may mắn qua các đối tác của mình đã thu xếp được để có nguồn máy chất lượng cung cấp cho sở Y tế Quảng Nam.
Theo bà Tuyến, giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ công ty nhập khẩu thiết bị đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỷ đồng, chi phí hóa chất 550 triệu đồng, các chi phí khác khoảng 50 triệu đồng.
Giá thực hiện hợp đồng trọn gói với sở Y tế Quảng Nam là 7,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của công ty sau khi bán máy cho Quảng Nam là 14,5%.
Cũng tại cuộc họp, bà Tuyến đã đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,8 tỉ đồng. Bà cho biết sau khi đàm phán, thương lượng lại, phía công ty nhập khẩu đã đồng ý giảm giá bán thiết bị cho công ty. Công ty Giải pháp Việt nhất trí giảm tỉ suất lợi nhuận xuống còn 0% như một sự đóng góp của công ty để chung tay phòng chống dịch ở tỉnh Quảng Nam. Bà cũng khẳng định rằng "công ty không nâng giá".
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã ký quyết định giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện về các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch COVID-19, trong đó có gói mua sắm hệ thống xét nghiệm, yêu cầu đến ngày 20-5 báo cáo cho UBND tỉnh.
Vũ Đậu (T/h)