Công ty không hoạt động vẫn được vinh danh
Qua quá trình tìm hiểu thực tế về vấn đề tổ chức các chương trình trao giải vinh danh doanh nghiệp, phóng viên Tạp chí ĐS&PL đã ghi nhận những dấu hiệu bất thường. Công tác tổ chức các lễ trao giải cho doanh nghiệp của một số đơn vị còn lỏng lẻo, tồn tại nhiều bất cập ngay trong quá trình nhận hồ sơ. Đặc biệt, rất nhiều tiêu chí mà ban tổ chức đưa ra nhưng không được áp dụng khi xét duyệt hồ sơ. Để được vinh danh, doanh nghiệp chỉ cần đóng tiền qua hợp đồng.
Cụ thể, để làm rõ vấn đề, PV vào vai doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình mang tên “Gala Doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức vào tháng 1/2024, tại TP. Hà Nội do trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (viết tắt là QCC) là đơn vị đứng ra tổ chức. Ông Tạ Quang Kiên là giám đốc, người đại diện pháp luật của Trung tâm này.
Sau khi liên hệ với ban tổ chức, ngày 16/10/2023, PV được người tên Quân gọi điện giới thiệu là nhân viên QCC tư vấn và gửi thông tin chi tiết về chương trình. Theo Quân hướng dẫn, để được trao giải tại Gala, doanh nghiệp cần cung cấp rất nhiều thông tin về giấy phép liên quan, tình hình hoạt động… gửi cho đội ngũ chuyên gia đánh giá.
Yêu cầu đưa ra là vậy, nhưng Quân cũng nói luôn: “Đây chỉ là các tiêu chí đánh giá bên em đưa ra để xét duyệt hồ sơ, chị không cần bận tâm, phần này bên em làm hết cho mình”. Nhân viên này cũng mời PV qua trực tiếp trụ sở đơn vị để làm việc cho yên tâm.
Theo lịch hẹn, ngày 18/10/2023, nhóm PV tới gặp ban tổ chức có địa chỉ tại số 35-V5A khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Tại đây, Quân đưa PV tới phòng riêng gặp ông Tạ Quang Kiên - Giám đốc QCC. Ông Kiên cho biết: “Chương trình này được tổ chức hai lần trong năm, tại khu vực miền Nam và miền Bắc. Ngoài các chương trình trao giải, đơn vị cũng hỗ trợ tư vấn về cấp chứng chỉ ISO… cho doanh nghiệp có nhu cầu”.
Khi PV đề cập tới vấn đề doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí đánh giá của ban tổ chức (BTC) vì mới thành lập, ông Kiên lập tức khẳng định: “Đó chỉ là các yếu tố để căn cứ của BTC, chúng tôi sẽ tạo điều kiện trên tinh thần hỗ trợ. Chỉ cần gửi ảnh chụp giấy đăng ký kinh doanh, sau khi BTC đánh giá sẽ gửi kết quả xác nhận đạt yêu cầu tham gia chương trình, khi đó mới ký hợp đồng và đóng tiền”.
Tiếp đó ông Kiên đưa cho PV bản hợp đồng dịch vụ đã được đóng dấu và ký tên sẵn. Doanh nghiệp có thể tham gia các gói với mức giá khác nhau: 35 triệu đồng, 20 triệu đồng. Tuỳ mỗi gói, ngoài được vinh danh, trao chứng nhận thì còn được hỗ trợ quảng bá hình ảnh. Khi PV “mặc cả” giá, vị Giám đốc cho biết có thể giảm thêm 30-40%.
Ngày 20/10/2023, PV gửi ảnh chụp phiếu đăng ký thông tin tham gia chương trình theo mẫu đơn mà BTC đưa (chỉ có thông tin sơ sài về doanh nghiệp như: tên công ty, tên người đại diện, số điện thoại địa chỉ).
Điều ngạc nhiên, ngay trong ngày, BTC đã ra thông báo xác nhận cho doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình với nội dung: “Sau khi tiến hành khảo sát lấy ý kiến chuyên gia và người tiêu dùng đánh giá hồ sơ năng lực, kết quả cho thấy thương hiệu của Doanh nghiệp được đánh giá rất cao trên thị trường và thỏa mãn các tiêu chí mà ban tổ chức công bố. Qua đó đã đủ điều kiện được biểu dương: SẢN PHẨM CHẤT LƯỢNG - DỊCH VỤ TIÊU BIỂU 2023”.
Cần nói rõ lại, thực chất doanh nghiệp mà PV sử dụng thông tin để tham dự nhận giải không hề hoạt động một ngày nào.
Dấu hiệu tư vấn, cấp ISO không đúng chức năng, nhiệm vụ
Qua lần làm việc nêu trên, PV được ông Kiên đề cập đến việc giúp doanh nghiệp cấp chứng chỉ ISO. Nhận thấy việc tư vấn có dấu hiệu thực hiện chưa đúng chức năng nhiệm vụ của QCC, nhóm PV khác của Đời sống & Pháp luật tiếp tục trong vai doanh nghiệp cần cấp chứng chỉ này để làm rõ.
Theo đó, tại trụ sở QCC, ông Kiên tư vấn: “Thông thường đoàn kiểm tra sẽ xuống khảo sát và bàn giao tài liệu về các quy định cho doanh nghiệp thực hiện theo. Sau đó, họ sẽ kiểm tra lại, nếu đủ các điều kiện mới được cấp chứng chỉ. Nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ mình chả cần quan tâm quy trình áp dụng như thế nào đâu. Trao đổi thế cho anh (tức PV) dễ hiểu, mình hỗ trợ 2 tuần là xong, mình là Giám đốc nên không có gì phải lăn tăn”.
Theo quy trình được ông Kiên “dựng lên” thì trong 2 tuần đó, chuyên gia sẽ xuống làm việc 1 buổi, chụp vài kiểu ảnh, hỏi một số thông tin doanh nghiệp và danh sách nhân sự là xong. Sau đó, họ sẽ gửi chứng nhận HACCP (ISO 22000) về an toàn thực phẩm thay thế cho giấy phép vệ sinh ATTT thông thường. Chi phí làm là 15-17 triệu đồng.
“Chuyên gia là toàn bộ của bên mình hết không phải qua ông nào, bọn mình là của bộ Khoa học Công nghệ”, ông Kiên nhấn mạnh.
Ông Kiên cũng tư vấn thêm cho PV về việc, doanh nghiệp nên có những giải thưởng về “sản phẩm chất lượng cao”, “sản phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” với chi phí khoảng 15-20 triệu đồng.
Vị Giám đốc nói: “Sau khi được trao giải, doanh nghiệp sẽ in giải đó lên sản phẩm để bán hàng nhằm tạo uy tín. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đã làm như vậy. Trung tâm tự làm nên mọi thủ tục đều rất đơn giản”.
Ngừng tổ chức giải sau phản ánh
Việc tổ chức vinh danh với quy trình “thần tốc” bỏ qua các tiêu chí đánh giá có thể tiếp tay cho những doanh nhân “dởm”, doanh nghiệp “ma” lợi dụng hình ảnh lộng lẫy tại lễ trao giải nhằm mục đích lừa đảo, đưa những sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, gây ra nhiều hệ luỵ cho kinh tế - xã hội.
Thông tin với phóng viên, ông Quách Siêu Hải – Chủ tịch Hội đồng quản lý QCC thừa nhận những sai sót như phản ánh đã nêu.
“Hiện BTC đã quyết định ngừng tổ chức Gala”, ông Hải nói và cho biết trong thời gian tới, QCC cũng không tổ chức các lễ trao giải, tiến tới việc hoạt động cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Duy Trung - Hương Thắm - Đặng Thủy