Mới đây, ABC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng dược phẩm đa quốc gia Pfizer. Theo đó, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại vẫn đang tiếp tục diễn ra để đối phó với đại dịch COVID-19, ông Albert Bourla lạc quan tin tưởng rằng cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường trong vòng một năm tới.
Tuy vậy, ông Albert Bourla vẫn cảnh báo: "Tôi không nghĩ như thế có nghĩa là các biến thể sẽ không tiếp tục xuất hiện. Và tôi cũng không cho rằng chúng ta có thể tiếp tục sống mà không cần tiêm phòng".
Để đưa cuộc sống trước đây quay lại, ông Bourla đề xuất các nước nên áp dụng phương án tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 hàng năm, giống như việc mọi người phải chủng ngừa liều nhắc lại của bệnh cúm. Tuy nhiên, ông Albert Bourla nhấn mạnh, đó chỉ là dự đoán về kịch bản xấu nhất bởi thế giới có những loại vaccine hiệu quả trong vòng một năm. Còn các bước tiếp theo sẽ phải dựa vào những phân tích từ số liệu thu thập được.
Nhận định của ông Bourla khá tương đồng với phát biểu hồi tuần trước của Giám đốc điều hành Moderna Stéphane Bancel, người dự đoán rằng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc "trong một năm tới" do năng lực sản xuất vaccine của thế giới khi đó sẽ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng toàn cầu.
Ông Bancel dự đoán vào thời điểm đó, những người chưa tiêm chủng có thể "miễn dịch một cách tự nhiên" vì Delta là biến chủng dễ lây lan, nhưng nhấn mạnh rủi ro những người này có thể bị bệnh nặng và phải nhập viện.
Phát biểu của lãnh đạo Pfizer và Moderna được công bố trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ đủ điều kiện đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tuần trước, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép sử dụng liều nhắc lại vaccine Pfizer cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người khác có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng, bao gồm người có bệnh nền và người có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Ngày 17/9, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố báo cáo cho thấy sau vài tháng tiêm đủ hai liều, hiệu quả của vaccine Pfizer và Moderna suy giảm đáng kể, nhất là ở những người trên 65 tuổi.
Trước những thông tin này, Ủy ban Cố vấn về tiêm chủng của CDC (ACIP) lo ngại việc tiêm liều thứ 3 khiến nhiều người cho rằng vaccine phòng COVID-19 hiện tại hoạt động kém hoặc không có nhiều giá trị.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối mạnh mẽ việc tiêm chủng toàn dân mũi tăng cường và cho rằng các nước giàu, dư vaccine nên phân phối cho những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Mộc Miên (Theo CNBC)