(ĐSPL) -TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng tại cầu Ghềnh ra xét xử phúc thẩm và chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên giảm nhẹ mức án cho tất cả bị cáo trong vụ án.
Theo tin tức báo Vnexpress, TAND tỉnh Đồng Nai hôm 23/11 giảm hình phạt cho cựu nhân viên gác chắn cầu Ghềnh (TP Biên Hòa) Trần Văn Thời từ 5 năm 6 tháng xuống còn 5 năm tù; Bùi Văn Thuấn, Trần Văn Lương và Trần Viết Hải đều được giảm một năm, còn 2-4 năm 6 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử (Ảnh: báo Tuổi Trẻ) |
Trần Minh Châu (tài xế) được giảm từ 7 năm xuống còn 5 năm tù về tội Cản trở giao thông đường sắt.
Dẫn nguồn báo Tuổi Trẻ, theo bản án sơ thẩm ngày 24-4 của TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai), các bị cáo Thời, Thuấn, Lương, Hải là các nhân viên của Công ty TNHH Quản lý đường sắt Sài Gòn, có nhiệm vụ trực gác chắn tại cầu Ghềnh thuộc P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa.
Tối 6-2-2011, các bị cáo đã không làm hết trách nhiệm khi tự ý bỏ gác chắn, khiến xe cộ lưu thông vào lòng cầu không trật tự dẫn đến tai nạn giữa đoàn tàu SE2 và nhiều xe khác trong lòng cầu, làm hai người chết tại chỗ và 22 người khác bị thương.
Còn bị cáo Châu đã không chấp hành yêu cầu của nhân viên ngành đường sắt khi xảy ra tình huống khẩn cấp, dẫn đến hậu quả tai nạn càng nghiêm trọng hơn. Vụ tai nạn còn là hỏng một đầu máy xe lửa và 6 ôtô.
Với mức độ trên, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo Thời, Thuấn, Lương, Hải tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Châu tội cản trở giao thông đường sắt.
Cũng theo báo Vnexpress, tạ phiên tòa sơ thẩm, ngoài mức phạt tù, toà cũng buộc Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn và Châu đền bù thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn tổng cộng 1,7 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Châu chịu 20\%.
Ngoài mức phạt tù, toà cũng buộc Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn và Châu đền bù thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn tổng cộng 1,7 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Châu chịu 20\%.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS tỉnh Đồng Nai đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ án. Viện cho rằng, cơ quan điều tra cấp sơ thẩm đã không làm rõ được tổ lái tàu SE2 có hay không chấp hành đúng hiệu lệnh đèn tín hiệu để đưa tàu vào cầu. Việc kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Quản lý đường sắt Sài Gòn cũng yêu cầu làm rõ tình tiết này là phù hợp, yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hành vi của 2 lái tàu để tránh bỏ lọt tội phạm.
"Chỉ khi làm rõ vấn đề trên mới thấy được toàn bộ bản chất sự việc dẫn đến vụ tai nạn, đồng thời cũng xác định cụ thể trách nhiệm liên đới bồi thường cho các bị hại trong vụ án", đại diện VKS nói.
Tuy nhiên, đề nghị này không được tòa chấp thuận. Về việc Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn kháng cáo làm rõ tổ lái tàu có vi phạm hay không, HĐXX cho rằng vụ án vẫn đang điều tra và chấp thuận cho đơn vị này cùng bị cáo Châu khiếu kiện dân sự đối với tổ lái tàu để cùng bồi thường thiệt hại.
NINH LAN(Tổng hợp)