Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Dự thảo sửa đổi Quy chế thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp. Trong đó, đáng lưu ý thêm là giảm 50% điểm ưu tiên khu vực so với những năm vừa qua.
Về chế độ, chính sách ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung có một số điều chỉnh. Trong đó đối tượng “con của người được hưởng chính sách như bệnh binh” không còn được nhắc đến như quy chế cũ. Được biết, Bộ GDĐT xin ý kiến góp ý của dư luận về dự thảo này đến hết ngày 20.2.2018.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng đang dự kiến sẽ giảm 50% điểm ưu tiên khu vực so với những năm vừa qua. Cụ thể, điểm ưu tiên mà thí sinh thuộc Khu vực 1 được hưởng khi tham gia xét tuyển ĐH, CĐ cao nhất là 0,75 điểm thay vì 1,5 điểm như trước đây.
Thí sinh thuộc (trước đây là 0,5 điểm), Khu vực 2 - Nông thôn là 0,5 điểm (trước đây là 1 điểm). Chênh lệch giữa các khu vực có thể sẽ chỉ còn 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm như hiện hành.
Việc điều chỉnh quy định cộng điểm ưu tiên sẽ khắc phục được những nghịch lý xảy ra trong mùa tuyển sinh 2017, khi thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học, lần đầu tiên có chuyện điểm chuẩn “vượt trần”, thí sinh được điểm cao vẫn cay đắng trượt nguyện vọng 1, vì thua ở tiêu chí phụ và không được cộng điểm ưu tiên.
Về hình thức xử lý thí sinh khi vi phạm quy chế, ở khoản 6 điều 49 của Dự thảo đề xuất, thay vì tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kì thi của thí sinh trong 2 năm tiếp theo với một số lỗi, Dự thảo sửa đổi bổ sung lần này quy định hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa được Bộ GDĐT công bố để lấy ý kiến - Ảnh: Lao động. |
Cũng theo Dự thảo Sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia, các trường đại học, cao đẳng thành lập đoàn cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi tại các hội đồng thi ở các địa phương theo điều động của Bộ GDĐT, sẽ không phải tự chi trả kinh phí đi lại, ăn ở cho cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi.
Thay vào đó, kinh phí cho cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động về địa phương tham gia tổ chức thi do địa phương chi trả theo quy định hiện hành.
Hằng Thanh(T/h)