Liên quan đến đề xuất miễn học phí tới cấp THCS của dự thảo sửa đổi Luật giáo dục, GS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề ngân sách ở đâu ra và làm sao để tạo được sự đồng thuận của xã hội?
Mặc dù vẫn chưa được thông qua, nhưng tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký về việc sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo, đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Tờ trình Chính phủ nêu rằng nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.
Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.
Liên quan đến vấn đề trên, GS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề ngân sách ở đâu ra và làm sao để tạo được sự đồng thuận của xã hội?
GS Đào Trọng Thi cho rằng, đây là những đề xuất rất quan trọng, đặc biệt là đề xuất về tăng lương và miễn giảm học phí. Nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua thì đó là một tiến bộ lớn trong chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Thậm chí, nó mang tính chất “cách mạng”.
Nước ta tuyên bố phổ cập THCS mà không miễn học phí thì chưa trọn vẹn. Bởi phổ cập tức vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của học sinh và phụ huynh. Nếu không hoàn thành là vi phạm pháp luật. Hiểu đúng như vậy thì nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ đó và đương nhiên phải miễn học phí.
GS Đào Trọng Thi đặt vấn đề ngân sách ở đâu ra và làm sao để tạo được sự đồng thuận của xã hội? |
Mặc dù ủng hộ cho dự thảo sửa đổi, nhưng không ít các giáo viên, phụ huynh học sinh hoài nghi về tính khả thi.
Bàn về dự thảo, bà Ngô Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng (Hà Nội), nhận xét: "Chúng ta đang hướng đến phổ cập giáo dục thì miễn học phí tới cả cấp THCS tôi cho là một điều tốt. Ở thành phố phụ huynh có điều kiện hơn, còn như mức học phí hiện tại đang thu, tôi cho đối với nông thôn thì cũng là điều vất vả. Về phía các trường cũng bớt đi được một việc phải làm là thu học phí".
Bà N.T.N (Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Lê Chân, Hải Phòng), cũng nhìn nhận miễn học phí đến cấp THCS sẽ đỡ công việc cho trường, và các phụ huynh thì chắc chắn sẽ phấn khởi.
“Nhưng học phí gánh một phần cho ngân sách, vậy ngân sách liệu có kham nổi không? Tôi nghi ngại tính khả thi của điều đó, trong khi hiện nay Nhà nước kêu gọi xã hội hóa và Nhà nước cũng chưa giàu” - bà N. băn khoăn.
Đồng quan điểm, bà Trần Bích Liên (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội), cũng cho rằng nếu không thu học phí đến cấp THCS thì ngân sách của các quận sẽ phải cân đối để đảm bảo các hoạt động của nhà trường.
Ông Đàm Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hậu (tỉnh Nam Định) cũng cho rằng nếu bỏ được học phí thì là điều tốt với người học.
“Sau khi thu học phí, khoảng 40% được đưa về ngân sách Nhà nước, 60% sẽ được địa phương cấp ngược chi cho các hoạt động của giáo dục hoạt động thường xuyên, chuyên môn, nghiệp vụ. Với những trường học sinh đông thì 60% của học phí không phải là số tiền ít.
Liệu khi miễn học phí, Nhà nước có chi ngân sách bù cho các trường bằng khoản đó không? Nếu không, các trường sẽ hoạt động như thế nào? Kinh phí lấy đâu ra? Nếu không phải thu của học sinh mà được cấp bù bằng ngân sách thì các trường hoàn toàn đồng tình vì đỡ được việc thu. Còn Nếu xã hội hóa thì như chúng ta thấy, nảy sinh nhiều bất cập, phản ánh của phụ huynh” - ông Dũng nêu vấn đề.
Đa số các ý kiến đều ủng hộ dự thảo, đặc biệt là vấn đề miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều lo ngại tính khả thi, cũng như liệu việc miễn học phí này sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước ra sao.
Mỹ An (T/h)