Tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người
Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 26/12 của Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Năm 2022 là năm tập trung cao cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ Nội vụ. Bộ đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, toàn ngành nội vụ đã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở tham mưu, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương.
Thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian.
Trong năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỉ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Chưa đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Theo số liệu thống kê tính đến 30/11/2022, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hoá hơn 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật; tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số TTHC).
100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; việc triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước tại cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 97,45%.
Có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Nội vụ đã trả lời một số câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí về các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, về đề án tiếp tục sắp xếp lại đơn vị hành chính tại các địa phương (huyện, xã), đối với cấp tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng phù hợp với điều kiện thực tế, căn cứ chính trị, pháp lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. "Đến nay, Bộ Nội vụ chưa có đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh", Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết.
Về mô hình thị trưởng, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, nhiều nước áp dụng. Đối với nước ta, phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và căn cứ thực tiễn, sự đồng thuận của nhân dân để đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Liên quan đến vấn đề biên chế vượt chỉ tiêu của TPHCM và Bình Dương, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế (Bộ Nội vụ) cho hay, đây là những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế rất cao nên yêu cầu nhân lực để đáp ứng nhiệm vụ. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị trong việc xây dựng biên chế cả giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, Bộ Chính trị đã có quyết định giao biên chế cho các địa phương thực hiện. Lộ trình tinh giản biên chế từ nay đến năm 2026 sẽ do địa phương chủ động xây dựng phương án, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi.
Theo ông Nam, số lượng biên chế của TPHCM vượt so với Trung ương giao. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc và đang phối hợp với Thành phố báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương để có hướng xử lý.
"TPHCM là địa bàn theo đánh giá của Bộ Chính trị là động lực, đóng góp vào GDP rất lớn. Vì vậy, tinh thần chung là tạo điều kiện tốt nhất để TPHCM có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội", Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế nhấn mạnh.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/giam-17-tong-cuc-145-cap-vu-thuoc-tong-cuc-711-cap-phong-o-dia-phuong-102221226195012183.htm?