+Aa-
    Zalo

    Giải mã tục “cướp chiếu cầu quý tử” ở lễ hội “đúc bụt”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo lời đồn, chỉ cần gia đình nào cướp được chiếu hay nhặt được vài sợi chiếu sót lại vào ngày hội "đúc bụt", rồi làm lễ dâng lên với lòng thành thì sẽ sinh được con trai?

    (ĐSPL) - Theo lời đồn, chỉ cần gia đình nào cướp được chiếu hay nhặt được vài sợi chiếu sót ở sân đền vào ngày hội "đúc bụt", sau đó làm lễ dâng lên các ngài với lòng thành thì sẽ sinh được con trai? 

    “Cướp chiếu cầu quý tử” trong lễ hội “đúc bụt”.

    Theo lời đồn, chỉ cần gia đình nào cướp được chiếu hay nhặt được vài sợi chiếu sót ở sân đền vào ngày hội (ngày mùng Tám tháng Giêng âm lịch hàng năm), sau đó làm lễ dâng lên các ngài với lòng thành thì sẽ sinh được con trai? Từ đó, tục lệ tại lễ hội “đúc bụt” hàng năm của thôn Phù Liễn (Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã trở thành niềm tin của nhiều người đang khát có được “quý tử”.

    Truyền thuyết về miếu thờ Công chúa Ngọc Kinh

    Làng Phù Liễn, theo các cụ già tại đây kể lại, xa xưa làng có tên là Ngọc Trù do phạm tên húy thờ (thờ bà Ngọc Kinh công chúa) nên đổi thành làng Phù Liễn. Làng nằm trên quả đồi thoai thoải, cao ráo, thế đất cũng rất đẹp phía sau làng là con ngòi Tiểu Khê nước từ các suối Tây Thiên chảy về, phía trước làng có con kênh đào chảy qua. Đền thờ Ngọc Kinh công chúa có từ rất lâu, đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng bao đời nay.

    Những câu chuyện của người dân truyền lại cho con cháu càng làm cho đền Phù Liễn thêm trang trọng và linh thiêng hơn. Truyện kể rằng, Ngọc Kinh công chúa (Mỹ Tự được Vua Bà phong sau khi dẹp xong Tô Định, Trưng Trắc lên ngôi vua), nguyên là một phụ nữ tài đức vẹn toàn đã có chồng và hai người con trai, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, công chúa đã để các con ở lại quê, theo Hai Bà Trưng đánh giặc, được Hai Bà cử về quê Phù Liễn mộ quân, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lực lượng. Tại đây, Bà đã ẩn mình dưới dạng nhà sư, tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy cho dân biết làm sỹ, nông, công.

    Vì vậy cứ mỗi dịp xuân về, người dân Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc lại tưng bừng mở hội tại đền Ngọc Kinh công chúa, nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sỹ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa, một nữ tướng tài ba, chí dũng vẹn toàn, đã từng được ghi vào chính sử.

    Ông Nguyễn Văn Di (70 tuổi, Trưởng ban quản lý đền) kể lại: “Cách đây không lâu, có ba thanh niên lấy của đền vài cái bát sứ, gia đình cũng không hề hay biết. Thời gian sau, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người đã phải chịu hậu quả rất nặng. Từ đó người dân nơi đây luôn dành cho đền Đức Bà sự tôn kính nhất”.

    Nói đến tích “cướp chiếu cầu quý tử”, ông Di bảo cho biết, tục lệ này chỉ có cách đây vài chục năm, không thể so sánh với ngôi đền cổ kính của Đức Bà được. Các cụ nhà tôi ngày trước khi trông đền hay làm lễ cho ngôi đền cũng không thấy có. Cách đây vài chục năm, có hai vợ chồng thương gia người Bắc Ninh phiêu bạt về làng, không có chỗ ăn ở nên đi đến nhà người dân quanh đền ngủ nhờ. Họ cưới nhau cũng gần chục năm mà không có con.

    Đúng vào ngày mùng 8 tháng Giêng làng mở hội, hai vợ chồng họ cũng ra xem. Sau hội, thấy các cụ già mang chiếu ra sông giặt, họ liền đi theo và xin các cụ một chiếc chiếu về để đắp. Thương tình, các cụ đã tặng họ một chiếc chiếu vừa làm lễ xong. Nhưng có một điều lạ, vợ chồng họ xin được chiếu cũng không giặt, không phơi khô, khi mang về cũng không đắp mà chỉ để đầu giường gối đầu ngủ.

    Thấy vậy, dân làng hỏi thì họ bảo: “Họ xin để lấy lộc của Đức Bà, mong Đức Bà ban phước”. Ít lâu sau, dân làng thấy vợ chồng họ sinh được một bé trai kháu khỉnh, tuấn tú, họ mang con đến đền trả lễ cho Đức Bà và đi biệt tích. Từ đó dân làng Phù Liễn mới truyền nhau câu chuyện lấy chiếu cúng lễ sẽ sinh được quý tử và từ đó mới có lễ hội “cướp chiếu cầu quý tử”.

    Và chuyện “cướp chiếu cầu quý tử”?

    Theo các cụ cao niên trong làng tiết lộ, đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam, khi lễ hội diễn ra hàng năm vào mùng Tám tháng Giêng, gia đình nào cướp được nắm chiếu trong lễ hội sẽ sinh được con trai? Ông Di cho biết: “Việc ai cướp được chiếu sẽ sinh được con trai là có thật. Nhiều gia đình vì khao khát có con trai đã nhờ rất nhiều anh em, bạn bè, thậm chí họ còn thuê người đi cướp hộ, ăn uống rất linh đình.

    Lễ hội “cướp chiếu cầu quý tử” cũng vô cùng đặc biệt, lễ hội diễn lại các tích trò xưa, trong đó tích trò “Đúc Bụt” được đặc biệt quan tâm và mong chờ nhất. Ba thanh niên khỏe mạnh làm “Bụt” được chọn lựa từ những trai tráng trong làng, sau khi được tắm rửa sạch sẽ, được trát bùn kín, ông chủ tế dùng 1 sợi dây buộc ngang 1/3 (theo chiều rộng) một chiếc chiếu cói, rồi để xòe phần dưới chụp lên đầu mỗi “Bụt” một chiếc. Riêng “Bụt” đi giữa, trên đỉnh đầu, phần chiếu buộc phía trên có đặt một bó mạ xanh, sau đó, quan viên và dân làng làm lễ rước “Bụt” về đình.

    Trên sân đình, sau màn diễn những tích trò, ông thợ đúc đập vỡ nồi nấu đồng, 3 thanh niên làm khuôn bụt nhanh chóng chạy nhanh ra ngoài, kết thúc trò diễn. Nhân dân reo hò, tranh nhau cướp chiếu, 3 chiếc chiếu sẽ được giành giật từ tay của người này đến tay người khác, ai cướp được chiếu phải cố gắng chạy thật nhanh về nhà không được để ai cướp lại. Khi mang được chiếu có bó mạ xanh về, cúng tổ tiên rồi lại lên đền trả lễ.

    Mảnh chiếu cướp được, về gối đầu giường của người phụ nữ, cứ làm đúng như vậy thì gia đình đó sẽ có được con trai. Nhưng cũng có một linh ứng cho những gia đình quá tham, khi cướp được chiếu rồi, lại muốn giành thêm cho chắc ăn, họ đuổi theo những nhà khác. Như vậy cái tâm không thật, không có lòng tin vào Đức Bà nên sinh được con gái.

    Cũng theo ông Di, ngày trước, tục cướp chiếu diễn ra trong thời gian rất ngắn, họ còn nhường nhau nhưng bây giờ nó không còn nguyên vẹn như ngày trước, người dân từ nhiều nơi cũng đổ xô về để cướp chiếu. Có nhà còn thuê đến 60, 70 thanh niên khỏe mạnh đi cướp, họ hy vọng chỉ cần cướp được một sợi chiếu là có thể sinh quý tử. “Lễ hội đã mất đi rất nhiều nét đẹp, chỉ vì muốn có được chiếu, muốn sinh được con trai”, ông Di tâm sự.

    Có thể việc cướp chiếu và sinh được con trai chỉ là sự trùng hợp. Nhưng có một điều vô cùng lạ, năm đấy nhà nào cướp được chiếu và có lòng thành thì đều sinh quý tử? Ông Trường (cụ từ trông coi đền) đọc cho chúng tôi rất nhiều gia đình sau khi cướp được chiếu sinh con trai: “Gia đình anh Tuấn ở đội 10, gia đình Linh Cúc đội 12, anh Trường, anh Luật... có nhiều gia đình ở Vĩnh Yên, Phúc Yên”.

    Để kiểm chứng lời ông Trường nói, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Nhung (Phù Liễn, Tam Dương). Vợ chồng chị cưới nhau, đã có con gái nhưng gia đình hai bên mong muốn anh chị sinh quý tử. Năm 2011, anh chị nhờ rất nhiều bạn bè đi cướp chiếu hộ rồi mang về đặt chiếu ở đầu giường, hơn một năm sau chị sinh được con trai, cậu bé lớn lên khỏe mạnh và là niềm vui lớn của gia đình.

    Khó có cơ sở để kiểm chứng

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Văn Bộ (Trưởng thôn Phù Liên, Đồng Tĩnh) cho biết: "Hàng chục năm nay, người dân luôn quan niệm cho rằng, cướp được chiếu trong lễ hội sẽ sinh được con trai, nên nhiều khách thập phương cũng nô nức kéo nhau về. Từ xưa chúng tôi cũng đã nghe các cụ kể lại về “cướp chiếu cầu quý tử” này, nhưng nhiều trường hợp khi cướp được chiếu vẫn sinh con gái, và dù có cướp vài lần cũng không có con trai. Đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng mang màu sắc tâm linh khó có cơ sở để kiểm chứng”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tuc-cuop-chieu-cau-quy-tu-o-le-hoi-duc-but-a85473.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan