Ảnh hưởng của tầng lớp "hạt giống đỏ" này không thể xem thường. 13 ngày "mất tích" là khoảng thời gian Tập Cận Bình đi gặp họ.
|
Giải mã Tập Cận Bình "mất tích" trước Đại hội 18 |
Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 12/7 cho biết, trong thời điểm nhạy cảm trước thềm đại hội 18 chuyển giao quyền lực vào tháng 9/2012, ông Tập Cận Bình khi đó đã được xác định chắc chắn sẽ tiếp quản ngôi vị nguyên thủ từ Hồ Cẩm Đào đã biến mất khỏi truyền thông 13 ngày khiến dư luận dấy lên hàng loạt tin đồn như ông đá bóng bị trẹo chân, đi bơi bị vãy xương, thậm chí là bị ám sát hoặc bị đột quỵ...
Nhưng hôm 12/7 vừa qua, một tờ báo Hồng Kông dẫn nguồn tin riêng tiết lộ, 13 ngày "mất tích" đầy bí ẩn đó là lúc ông Tập Cận Bình gặp gỡ con cháu, thân nhân của các vị khai quốc công thần như Hồ Diệu Bang, Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền ước tính tổng số hơn 100 người trong khi đại diện của "hạt giống đỏ" ở Bắc Kinh lên tới trên 2000 người.
Tờ Minh Báo tại Hồng Kông cho biết ở Trung Quốc có một tầng lớp gọi là "hạt giống đỏ", con cháu thân nhân của các quan chức hàng đầu Trung Quốc. Họ tham gia đủ mọi lĩnh vực khác nhau từ chính trị, quân sự cho đến kinh doanh, thậm chí có những người "kế thừa phụ nghiệp", của cha anh tham gia bộ máy quyền lực. Giữa những đối tượng này cũng có sự phân cấp bậc rõ ràng, thậm chí không ít ân oán với nhau.
"Hạt giống đỏ" ở Trung Quốc được hiểu là con em cấp Thiếu tướng, Trung tướng quân đội hoặc Bí thư tỉnh ủy, Bộ trưởng Thứ trưởng các bộ trở lên trong thời kỳ lập quốc 1949. Dù thời đại đã có nhiều thay đổi nhưng ảnh hưởng của tầng lớp "hạt giống đỏ" này không thể xem thường. 13 ngày "mất tích" là khoảng thời gian Tập Cận Bình đi gặp họ trước khi tiếp quản quyền lực.
Trước thềm đại hội 18, ngày cuối cùng ông Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng là ngày 1/9 với tư cách Hiệu trưởng Trường Đảng trung ương tham dự lễ khai giảng, sau đó ông mất hút trên truyền thông gây ra nhiều tin đồn ác ý. Thậm chí ngay cả cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Đan Mạch đã được lên kế hoạch từ trước đều bị hủy bỏ càng làm cho những người tò mò đồn thổi.
Đến ngày 15/9, ông Tập Cận Bình mới bất ngờ xuất hiện trở lại tại đại học Nông nghiệp Trung Quốc, dẹp tan mọi lời đồn đoán, nhưng không ai lý giải được 13 ngày đó ông đã đi đâu, làm gì trong lúc "nước sôi lửa bỏng"?
Minh Báo cho biết, gần đây một số thành viên tầng lớp "hạt giống đỏ" tiết lộ rằng trong 13 ngày "mất tích" ấy, Tập Cận Bình đã tiếp các nhân vật "hạt giống đỏ" cộm cán ở Bắc Kinh, Sơn Đông và khu vực Hoa Bắc. Ngoài con trai Hồ Diệu Bang, Diệp Kiếm Anh và Từ Hướng Tiền, còn có hơn 100 người khác đại diện cho hơn 2000 thành viên "câu lạc bộ hạt giống đỏ" chủ yếu tập trung ở Bắc Kinh. Nếu tính trên phạm vi toàn quốc, số lượng "hạt giống đỏ" khoảng 40 ngàn người.
Tập Cận Bình đã gặp gỡ những "hạt giống đỏ" này không phân biệt cánh tả hay cánh hữu, mà sắp xếp theo "cấp bậc". Có những người ông Bình gặp riêng, có những buổi ông tiếp 2, 3 gia đình "tiền bối cách mạng" cùng lúc. Nội dung chủ yếu ông đề cập tới chiến lược và định hướng lớn khi lên nắm quyền.
Trong các cuộc tiếp xúc này, Tập Cận Bình kêu gọi các "hạt giống đỏ", nếu ai đồng tình ủng hộ ông xin cùng "gánh vác" với ông. Còn ai không đồng tình với chủ trương cầm quyền của ông, cũng xin vui lòng gác lại sự khác biệt, tìm kiếm điểm chung. Khoảng 80\% đại diện "câu lạc bộ hạt giống đỏ" đã bày tỏ ủng hộ Tập Cận Bình.
Minh Báo cho biết, sau khi lên nắm quyền mặc dù Tập Cận Bình phất cờ chống tham nhũng "đồ long, đả hổ, đập ruồi" trong hệ thống chính quyền và thậm chí cả quân đội, nhưng cho đến nay chưa ai thấy các "hạt giống đỏ" hề hấn gì.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tap-can-binh-mat-tich-truoc-dai-hoi-18-a40797.html