Theo những người mê tín, mí mắt nháy giật được xem là một điềm báo. Còn với khoa học, mí mắt co giật chỉ đơn giản là do cơ mắt bị mỏi và dấu hiệu của bệnh tật.
Giật mi mắt thông thường, theo khoa học đơn giản chỉ là do mắt bị mỏi. |
Trong dân gian, khi giật mí mắt nhiều người vẫn cho là “điềm lành/điềm gở” nhất là khi bị giật mi mắt trái. Những biểu hiện này có thể lặp lại trong vài ngày. Sau đó, có thể không gặp bất kỳ sự co giật nào khác trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng.
Vậy hiện tượng giật mi mắt thực tế là do đâu?
Shameema Sikder - chuyên gia nhãn khoa từ ĐH Johns Hopkins cho biết nguyên nhân chỉ đơn giản là vì thiếu ngủ, mắt khô, nhìn vào màn hình quá lâu. Dĩ nhiên, do đặc điểm của thời đại công nghệ đã khiến rất nhiều người chăm thức đêm "chơi" mạng xã hội, thế nên cũng ngày càng nhiều người gặp phải triệu chứng này.
Thức khuya thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra giật mi mắt. |
Ngoài ra thì cafeine, tác dụng phụ của thuốc, uống ít nước, hút thuốc và căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể khiến mắt bị co giật.
Trên thực tế thì cơ chế chính xác khiến mắt co giật vẫn chưa được khám phá ra. Chỉ biết rằng khu vực bị co giật là vùng cơ vòng mi - nơi chứa những sợi cơ chịu trách nhiệm đóng và mở mí mắt.
Cơ vòng mi bị mỏi, gây ra co giật vô điều kiện. Thường thì sự co giật diễn ra rất nhẹ, chỉ mình người bị cảm thấy. Nhưng cũng có trường hợp nó rõ ràng đến mức người khác cũng cảm thấy được.
Còn theo BS Nguyễn Quang Vinh (Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1), co giật mi mắt (TIC) là một hội chứng rối loạn về thần kinh, chủ yếu xuất hiện ở phần cơ như cơ mặt, cơ thân, cơ phát âm. Do TIC thường xuất hiện ở cơ mặt, đặc biệt là cơ quan mắt nên khi mắc hội chứng, mắt trẻ sẽ có biểu hiện nháy liên tục. Việc nháy mắt không làm giảm thị lực nhưng làm cơ bị mỏi và ảnh hưởng đến tầm nhìn.
“Ai trong đời cũng đã từng bị tic mắt, cũng trải nghiệm nó phiền toái như thế nào”, BS Hoàng Cương chia sẻ và cho biết, bản thân ông khi học, đọc căng thẳng cũng đã từng bị tíc mắt.
Để chữa tình trạng này, bạn chỉ cần khắc phục những nguyên nhân ở trên là được. Chẳng hạn, nếu bị co giật khi đang dùng đồ công nghệ, hãy nhìn ra chỗ khác khoảng 20 phút. Đó là thời gian đủ để mắt cảm thấy dễ chịu và đỡ khô. Ngoài ra, sử dụng nước mắt sinh lý cũng có thể cải thiện tình hình một cách nhanh chóng.
Ngoài những nguyên nhân trên thì đôi khi TIC cũng là dấu hiệu một căn bệnh nào đó tùy theo tần suất, thời gian và cách mắt co giật.
Nếu như cơ mặt cũng cùng co giật kèm theo những cơn đau khó tả, thì khả năng cao là bạn nên đến gặp bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy dây thần kinh của bạn đang bị tổn thương, hoặc tế bào não đang có vấn đề.
Trong trường hợp hiếm, co thắt mí mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn vận động kinh niên, đặc biệt nếu kèm theo co giật ở mặt hoặc các cử động không kiểm soát được.
Hãy đi khám mắt ngay nếu có những triệu chứng giật mi mắt kéo dài. |
Do vậy, bạn cần đi khám bác sĩ nếu bị co giật mí mắt kéo dài cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Mắt đỏ, sưng, hoặc có sự xuất hiện bất thường; mí mắt trên sụp xuống hay đóng hoàn toàn mỗi khi co giật; sự co giật bắt đầu ảnh hưởng đến các phần khác trên khuôn mặt.
Minh Khôi(T/h)