+Aa-
    Zalo

    Giai điệu tự hào tháng 11: Tình đất đỏ miền Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Giai điệu Tự hào tháng 11 sẽ dành toàn bộ thời lượng của mình để khắc họa chân dung con người đất phương Nam.

    (ĐSPL) - Nếu như số phát sóng tháng 10 là tuyển tập các ca khúc viết về đất và người Hà Nội thì Giai điệu Tự hào tháng 11 sẽ dành toàn bộ thời lượng của mình để khắc họa chân dung con người đất phương Nam.

    Giai điệu tự hào tháng 11: Tình đất đỏ miền Đông

    Đúng như phẩm chất ”miền đông gian lao mà anh dũng”, người phương Nam không chỉ kiên cường trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà họ còn lạc quan, nhân hậu, rộng mở với con người và thiên nhiên trong cuộc sống thường ngày.

    Mang chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”, Giai điệu Tự hào tháng 11 là tập hợp những câu chuyện nhỏ trong những bối cảnh và thời khắc lịch sử khác nhau của đồng bằng sông Cửu Long nhưng tựu chung lại sẽ là một bức tranh ấm áp, sinh động về một vùng đất thân thương, tuy xa xôi mà luôn hiện hữu trong trái tim của đồng bào cả nước. Thông qua ngôn ngữ âm nhạc và làn điệu đậm chất dân gian Nam bộ, các ca khúc đã trở thành tài sản vô giá về tinh thần và nghệ thuật của âm nhạc Việt Nam.

    NSND Thu Hiền khoe giọng ca không tuổi ở Giai điệu Tự hào

    Hơn 50 năm miệt mài ca hát khắp các chiến trường và sân khấu nghệ thuật lớn bé, ghi dấu ấn ở hàng ngàn tác phẩm âm nhạc cách mạng – dân ca 3 miền, lần thể hiện ca khúc “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” trên sân khấu Giai điệu Tự hào tháng 11 này, NSND Thu Hiền lại một lần nữa chứng minh giọng ca của bà không có tuổi.

    Giai điệu tự hào tháng 11: Tình đất đỏ miền Đông

    Ngợi ca nét đẹp của những cô gái Nam bộ “áo bà ba – súng quàng vai” đi hái sen trong đêm trăng sáng, hình ảnh tương phản với cuộc chiến đang leo thang ác liệt những năm 1968 – 1970, tác phẩm để đời của nhạc sĩ Huỳnh Thơ tươi mới hơn qua giọng ca mượt mà trời phú của NSND Thu Hiền. Phần trình diễn này cũng là điểm sáng nhất trong số phát sóng tháng 11 của Giai điệu Tự hào.

    NSND Thu Hiền chia sẻ: “Tôi hát ca khúc này từ ngày còn trẻ, chẳng thể đếm được mấy trăm lần rồi. Bởi vậy khi nhạc sĩ Thanh Phương đặt lời mời, tôi có yêu cầu Phương phối khí làm sao cho mới mẻ, cho đặc biệt hơn những lần trước nhưng không quá xa lạ với cách hát của tôi vì dù gì tôi đã 62 tuổi rồi, không thể bắt kịp cách hát quá mới lạ như các bạn trẻ. Dù yêu cầu không đơn giản nhưng những gì Phương làm được quả thật là một sự bất ngờ. Tiết tấu ca khúc được đẩy nhanh hơn một chút, tốp bè nữ cũng làm cho ca khúc trẻ trung hơn rất nhiều. Tôi chắc chắn khán giả sẽ yêu thích phần trình diễn lần này”. Mang lên sân khấu hơn 100 chậu sen, 4 cây xuồng ba lá từ Rạch Giá – Kiên Giang, cả trường quay trong tiết mục của NSND Thu Hiền, như vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

    Đan Trường hào hứng với Giai điệu Tự hào

    Dù chỉ có 1 ngày để luyện tập và cũng là lần đầu tiên trình diễn nhưng Đan Trường thể hiện rất ngọt ngào ca khúc chủ đề của chương trình Giai điệu tự hào – Tình đất đỏ miền Đông.

    Giai điệu tự hào tháng 11: Tình đất đỏ miền Đông

    Được sáng tác năm 1976, ca khúc Tình đất đỏ miền Đông của nhạc sĩ Trần Long Ẩn là một biểu tượng về tinh thần anh dũng, quật cường của những người con Đông Nam Bộ. Đầu tư cho tiết mục biểu diễn của mình, Đan Trường đã mang cả chiếc xe ngựa mộ thổ đất Bình Dương, hàng chục những gánh cúc vàng vùng đất Gò Công, mái lá vùng rừng ngập mặt Cà Mau… làm nền. Chất liệu dân ca Nam Bộ trong tác phẩm chắc chắn sẽ không gây khó khăn nhiều với ca sĩ trẻ chỉ có điều sau vụ lùm xum về việc khen chê “Anh ba khía” ở Bài hát yêu thích tháng 10, với mô hình đối thoại thẳng thắn giữa 2 thế hệ già – trẻ ở Giai điệu Tự hào, liệu phần trình diễn của Đan Trưởng có nhận được sự đồng thuận từ phía Hội đồng bình luận của chương trình?

    Cũng trong số phát sóng tháng 11, hai nữ ca sĩ Hiền Thục và Lê Cát Trọng Lý cũng lần đầu tiên được hợp tác cùng nhau trong tác phẩm Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Từ xưa tới nay mọi người vẫn thường nghĩ Nhạc rừng là ca khúc dành cho thiếu nhi, nhưng kỳ thực ca khúc này lại viết cho người lớn, khắc họa những nét đẹp của người du kích miền Đông Nam Bộ. Một Hiền Thục điệu đà, nũng nịu, đặc trưng của người con gái Nam Bộ hát cùng Lê Cát Trọng Lý mộc mạc, đơn sơ, êm đềm như suối, chắc chắn phần kết hợp này sẽ là lời chào mở màn đầy thú vị của chương trình. Thanh Phương – giám đốc âm nhạc của chương trình cho biết, phần kết hợp của hai ca sĩ này cũng chính là sự phá cách lớn nhất của anh trong chương trình.

    Hóa thân thành người du kích biên thư về quê nhà, quán quân Vietnam Idol 2008 – Quốc Thiên đã thể hiện ca khúc Vàm Cỏ Đông vừa hào hùng vừa sâu lắng. Quốc Thiên chia sẻ, khó khăn lớn nhất của anh trong việc thể hiện ca khúc này là hát bằng giọng Nam. Cũng chính vì thế thời gian luyện tập của anh gấp đôi các ca sĩ khác.

    Giai điệu tự hào tháng 11: Tình đất đỏ miền Đông

    Trái ngược với Quốc Thiên, NSƯT Thanh Thúy lại khá thuận lợi khi thể hiện ca khúc tủ “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Kỳ công mang lên sân khấu cả xưởng làm bánh tráng, hơn 30 buồng dừa và người con gái tóc dài như suối, Thanh Thúy đã tái hiện cả quê hương Đồng Khởi trong phần trình diễn của mình.

    Số phát sóng tháng 11 sẽ tạm biệt PGS Phó Giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái, thay thế vị trí của bà là người cộng sự thân thiết Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương. Không hề gay gắt, cách phản biện của Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương vừa dí dỏm vừa nữ tính. Ngồi đối diện với bà cũng là những khách mời trẻ sắc sảo: MC Lê Đỗ Quỳnh Hương, nhà báo Chu Minh Vũ, Nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhạc sĩ Giáng Son... Cùng song hành với các tác phẩm âm nhạc, phần bình luận của hai Hội đồng khách mời bình luận cũng là một điểm thu hút của Giai điệu Tự hào.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-dieu-tu-hao-thang-11-tinh-dat-do-mien-dong-a70957.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
     Giai điệu Tự hào số 9: Bài ca hy vọng

    Giai điệu Tự hào số 9: Bài ca hy vọng

    (ĐSPL)- Mang tới 6 ca khúc bước ra từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” một thời, Giai điệu Tự hào tháng 9 với chủ đề “Bài ca hy vọng” ca ngợi lý tưởng sống tươi đẹp