+Aa-
    Zalo

    Giai điệu Tự hào số 9: Bài ca hy vọng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Mang tới 6 ca khúc bước ra từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” một thời, Giai điệu Tự hào tháng 9 với chủ đề “Bài ca hy vọng” ca ngợi lý tưởng sống tươi đẹp

    (ĐSPL)- Mang tới 6 ca khúc bước ra từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” một thời, Giai điệu Tự hào tháng 9 với chủ đề “Bài ca hy vọng” ca ngợi lý tưởng sống tươi đẹp, tinh thần yêu nước của những người trẻ tuổi.

    Hầu hết các nhạc sĩ, ca sĩ của phong trào này đều là học sinh, sinh viên không chuyên, họ sáng tác chỉ nhằm mục đích chiến đầu đòi hòa bình bằng âm nhạc, thơ ca. Nhưng vượt lên trên hoàn cảnh ra đời, mục đích chính trị… các ca khúc vẫn là những tài sản âm nhạc quý giá nhờ cái đẹp đến chuẩn mực trong giai điệu, ca từ, triết lý sống.

    Quốc Trung đưa bố và con gái lên sân khấu Giai điệu Tự hào

    Không chỉ giữ vai trò giám đốc âm nhạc, định hướng phối khí cho các ca khúc, Quốc Trung còn đệm piano cho phần thể hiện của bố anh – NSND Trung Kiên và con gái yêu Thiện Thanh. 

    Là sinh viên khoa thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia, Thiện Thanh được ông nội – NSND Trung Kiên giảng dạy và luyện thanh mỗi ngày nhưng lần thể hiện ca khúc “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, lại là lần đầu tiên hai ông cháu được hát chung sân khấu. Xuất phát từ ý tưởng “một bài hát kinh điển được ba thế hệ trong gia đình tiếp nối nhau cùng thể hiện”, nhạc sĩ Quốc Trung đã đồng ý cho con gái hát trên sân khấu Giai điệu Tự hào.

    Cây đại thụ lớn của nền âm nhạc Việt Nam, NSND Trung Kiên chia sẻ: “Thiện Thanh còn bé và vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì được theo học piano nhiều năm nên cháu hát khá sạch sẽ, không chênh phô nhiều nhưng vẫn còn có rất nhiều thứ để học tập. Lần xuất hiện này, con bé không phải là nghệ sĩ này kia mà chỉ đơn thuần là thế hệ măng non trong đại gia đình làm nghệ thuật”.

     

    Trong tà áo dài trắng, con gái của diva nhạc nhẹ Thanh Lam và nhạc sĩ tài hoa Quốc Trung xinh đẹp như cô công chúa nhỏ. Chất giọng nhẹ nhàng trong sáng hòa cùng chất hào sảng thính phòng sẽ tạo hiệu ứng mới mẻ cho ca khúc quá quen thuộc.

    Hà Trần phá cách nhạc cách mạng

    Từ Mỹ trở về Việt Nam để hát cho Giai điệu Tự hào, diva Hà Trần sẽ cùng nhạc sĩ Quốc Trung làm mới hoàn toàn ca khúc “Bài ca hy vọng”. Đây cũng chính là chủ đề của cả chương trình ngợi ca lý tưởng sống, tình yêu nước của lớp lớp thế hệ thanh niên một thời.

     

    “Các khán giả đã yêu, đã thấm ca khúc quá quen thuộc này qua tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Vân, Lê Dung hay chú Quang Thọ, Tùng Dương…, sẽ thấy bất ngờ khi nghe tôi hát với bản phối, cách hát hoàn toàn khác. Tôi vốn là người không chịu gò bó theo bất cứ khuôn mẫu nào trong âm nhạc mà”, Hà Trần chia sẻ bên thềm đêm nhạc. Biểu diễn cùng dàn dây, phần đệm piano của Quốc Trung, Hà Trần thổi một chút pop, đương đại vào cách hát thính phòng cổ điển. Dù là hai phong cách hoàn toàn đối lập vậy nhưng khi nghe Trần Thu Hà hát, NSND Trung Kiên nhớ lại hình ảnh của mẹ đẻ nữ diva – cố nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền. Ông tâm sự: “Vẫn là sự cầu kỳ nghiêm túc trong âm nhạc nhưng ở Hà tôi thấy sự mới mẻ của cuộc sống ngày nay hơn. Hà đã đập tan mọi định kiến, khuôn mẫu dành cho ca khúc chuẩn mực này”.

     

    Cũng trong tập phát sóng tháng 9, khán giả truyền hình sẽ được gặp lại rất nhiều gương mặt lịch sử: cô Tư Liêm, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, cô Trần Thị Ngọc Hảo – những tinh hoa, linh hồn của phong trào thanh niên xuống đường thập niên 60 -70. Tốp ca U80 của Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn hòa giọng cùng 3 ca sĩ rock: Đinh Tuấn Khanh Microwave, Hà My, Thái Châu (2 thí sinh trong đội The Voice của Quốc Trung), tất cả đã làm cho ca khúc mở màn “Dậy mà đi” mới mẻ, đầy xúc cảm.

    Những khán giả ngày nay chắc chắn khi nhìn thấy những ông cụ, bà cụ hát ở Giai điệu Tự hào sẽ thấy xa lạ nhưng với khán giả lớn tuổi, sự trở lại của các cô chú chính là tiếng vọng của quá khứ, những năm tháng không thể nào quên. Lắng nghe ca khúc, nhạc sĩ Phú Quang đã bật khóc trước sự trong sáng, kiên trung của thế hệ thanh niên một thời.

     

     

     
     Giai điệu Tự hào số 9: Bài ca hy vọng



    6 bài hát trong tập phát sóng Giai điệu tự hào – Bài ca hy vọng là 6 phá cách táo bạo của giám đốc âm nhạc Quốc Trung. Ngay cả “Hát cho dân tôi nghe” lẫn “Nối vòng tay lớn” anh cũng thay đổi sang tiết tấu hoàn toàn mới. Với ý tưởng mỗi con người là một đốm lửa, họ truyền cho nhau nhiệt huyết, tình thương để tạo nên biển lửa lớn, “Nối vòng tay lớn” – ca khúc cộng đồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hát theo phong cách post-rock. Quốc Trung biến một ca khúc từ dương tính sang âm tính để những giai điệu len lỏi vào tận sâu mạch ngầm cảm xúc.

    Chủ đề bình luận trong tập 9 của Giai điệu Tự hào sẽ chiều lòng những khán giả mong muốn được biết sâu hơn số phận các ca khúc. Không còn những đối đầu trong quan niệm thưởng thức nghệ thuật, câu chuyện bình luận lần này xoáy sâu vào ca từ, hoàn cảnh sáng tác của ca khúc: nỗi lòng của người con Nam bộ phải ra Bắc tập kết, là tiếng hát giữa chốn lao tù, xiềng xích… Giai điệu Tự hào số phát sóng tháng 9 sẽ là câu chuyện lịch sử được kể lại bằng âm nhạc và kỷ niệm.

    Bắt đầu từ số phát sóng tháng 9 này, khung giờ phát sóng chính thức của Giai điệu Tự hào sẽ thay đổi. Thay vì thứ 7 cuối cùng mỗi tháng, Giai điệu Tự hào sẽ được phát sóng sớm hơn 1 ngày, tức là 20h5 thứ 6 cuối cùng của tháng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-dieu-tu-hao-so-9-bai-ca-hy-vong-a51835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan