(ĐSPL) - Không phải lần đầu tiên NSND Thanh Hoa hát cùng con trai út của bà – ca sĩ Tôn Thất Thái Sơn, tuy vậy tiết mục song ca “Gửi em ở cuối sông Hồng” trên sân khấu Giai điệu Tự hào chắc chắn là một trong những tiết mục biểu diễn thành công nhất của hai mẹ con nghệ sĩ.
Vào vai một anh lính trẻ, chia tay vợ để lên vùng biên cương làm nhiệm vụ, Tôn Thất Thái Sơn đứng trên đầu nguồn sông Hồng, gửi những nhớ nhung, lo lắng của mình tới người vợ nơi hạ nguồn con sông. Đứng cạnh cái bóng quá lớn là NSND Thanh Hoa, Tôn Sơn không hề lép vế mẹ khi thể hiện ca khúc này. Vẫn là ca khúc cũ, cách hát cũ nhưng bản phối hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là phần giang tấu quá xuất sắccủa nhạc sĩ Thanh Phương đã mang tới những cảm xúc đặc biệt cho khán giả ghi hình.
Hơn nữa, ngồi trên hàng ghế khách mời bình luận của chương trình, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” – nhà thơ Dương Soái đã có những chia sẻ rất xúc động xoay quanh hoàn cảnh ra đời của ca khúc. Nhà thơ Dương Soái kể: Những ngày đầu chiến tranh biên giới phía Bắc ông là phóng viên của Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, được cử lên mặt trận ngay trong tháng 2/1979. Nhìn thấy hy sinh mất mát liên tiếp, có người trở về sau trận đánh máu vẫn còn chảy ròng ròng ở viết thương. Người về trước người về sau, nhưng trông thấy nhau là... khóc vì “tưởng mày chết rồi!”
Các chiến sĩ nói với ông rằng: “Anh là nhà báo, anh phải nói với mọi người rằng: Còn chúng em, thì còn biên giới”. Đặc biệt, ngay sau đó, các chiến sĩ nhờ Dương Soái gửi những lá thư của họ về gia đình. Có người đã viết thư xong, có người viết dở nhờ ông dán lại. Có người đọc cho Dương Soái địa chỉ của gia đình và nói ngắn gọn là “con vẫn sống"... Nhìn những lá thư và thấy các dòng địa chỉ đều tập chung ở: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hà Nội, hầu hết các tỉnh đều nằm dọc con sông Hồng, Dương Soái viết rất nhanh bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng.
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?
….
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
Dù được cả hai hội đồng bình luận lẫn tất cả khán phòng đứng dậy tán thường nồng nhiệt về cách thể hiện ca khúc nhưng Phó Giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái vẫn phê bình phần dàn dựng của ca khúc. Theo bà, NSND Thanh Hoa không nên hát cùng con trai, đặc biệt hai mẹ con không nên hóa thân thành đôi vợ chồng. Sự chênh lệch tuổi tác khiến người xem hình cảm thấy bị kệnh, phản cảm. Vẫn như thường lệ, ý kiến của PGS gặp phải sự phản đối của phía hội đồng trẻ tuổi. NTK Hà Linh Thư cho rằng, NSND Thanh Hoa và Tôn Thái Sơn là hai diễn viên, vào vai rất xuất sắc, thể hiện quá thành công ca khúc này.
Cũng trong số phát sóng tháng 8, phần song ca “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”của nghệ sĩ Kiều Hưng – Anh Thơ cũng gây xúc động mạnh mẽ tới công chúng. Lần ghi hình đầu tiên cho Giai điệu Tự hào tháng trước, Kiều Hưng đã giúp choc a khúc “Tình em biển cả” bước vào Gala 2014. Lần thứ 2 biểu diễn, tiết mục ông thể hiện có tỷ lệ bình chọn của khán giả trường quay cao nhất – 85,41\%. Hát cùng lão nghệ sĩ, diva của dòng nhạc đỏ - ca sĩ Anh Thơ đã tiết chế đi rất nhiều. Có cảm giác, Anh Thơ nhún mình, nhường cho Kiều Hưng tỏa sáng trên sân khấu.
Phần bình luận của ca khúc cũng rất thú vị, Kể về kỷ niệm xoay quanh đại công trường Hồ Kẻ Gỗ, nhân chứng lịch sử Đào Văn Tinh còn mang tâm tư của tất cả nhân dân Hà Tĩnh gửi tới người nhạc sĩ tài hoa – Nguyễn Văn Tý. Mang chiếc xe cút kít gỗ, vật dụng quen thuộc của công trường thủy lợi ngày ấy lên sân khấu, nhân chứng lịch sử cũng kể lại hình ảnh đôi trai gái yêu nhau, chở nhau trên chiếc xe cút kít trên đường ra công trường lao động. Dù khó khăn, vất vả nhưng tình yêu trong lao động vẫn cứ đơm hoa.
Dù phần bình luận nhiều chỗ hơi dài “sa đà vào chuyện bếp núc” như lời khách mình bình luận Trần Nhật Thăng nhưng nhìn chung, số phát sóng tháng 8 của Giai điệu Tự hào thành công khi mang tới những cảm xúc tươi mới, câu chuyện âm nhạc xúc động cho người xem đài.