Theo báo Thanh Niên, ngày 3/6, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã giải cứu thành công cô gái và bé trai 2 tuổi bị mắc kẹt trong thang máy nhà dân trên địa bàn.
Danh tính các nạn nhân là chị N.K.M (28 tuổi, quê Bình Định) và bé trai B.T.N (2 tuổi).
Trước đó, gần 9h ngày 30/5, chị M. và bé N. đang đi thang máy nhà dân trên đường Lê Thị Hoa (phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) thì bất ngờ thang máy xảy ra sự cố, rồi ngưng hoạt động. Bên trong thang máy, các nạn nhân hoảng hốt, la hét.
Những người bên trong căn nhà đã phát hiện vụ việc, xác định vị trí các nạn nhân đang đứng, tìm cách mở cửa thang máy cứu người nhưng bất thành.
Nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.Thủ Đức nhanh chóng đến hiện trường, xác định các nạn nhân đang ở đoạn tầng 2 trong căn nhà,
Lực lượng chức năng đã trấn an người bị mắc kẹt, đồng thời sử dụng máy banh cắt thủy, mở 2 cánh cửa thang máy, tạo khoảng trống. Ít phút sau, lực lượng chức năng đã tiếp cận và giải cứu, đưa các nạn nhân bị kẹt trong thang máy ra ngoài an toàn.
Báo Pháp luật TP.HCM thông tin, Công an TP Thủ Đức khuyến cáo, để giảm thiểu những tác động nguy hiểm khi gặp các sự cố trong thang máy, chủ đầu tư cần đảm bảo hệ thống liên lạc, an toàn trong thang máy như điện thoại, chuông báo động, hệ thống camera giám sát luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Bên cạnh đó, luôn thực hiện chương trình bảo trì, bảo dưỡng đúng thời điểm, theo đúng lịch trình, khuyến cáo của nhà cung cấp để thang máy luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Và đặc biệt cần tuân thủ nghiêm việc kiểm định an toàn thang máy, tuân thủ đúng đủ các tiêu chuẩn về thiết kế, vận hành thang máy theo quy định.
Riêng đối với người dân, người lớn không nên để trẻ nhỏ đi thang máy một mình. Tuyệt đối không để trẻ nghịch ngợm, ấn quá nhiều phím chọn tầng thang máy cùng lúc, dẫn tới lỗi hệ thống kỹ thuật của thang máy.
Không chen lấn, xô đẩy khi vào thang máy và nếu đông người thì nên đợi chuyến sau để tránh thang bị quá tải.
Công an cũng khuyến cáo, khi bị mắc kẹt trong thang máy, người dân cần bình tĩnh, không la hét hoảng loạn để tránh trở nên ngột ngạt do thiếu oxy. Điều này sẽ khiến người già, trẻ nhỏ hay những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu, nguy hiểm đến tính mạng.
Người dân cũng nên ghi nhớ sử dụng nút bấm có hình chuông cảnh báo hay các số điện thoại trên bảng chỉ dẫn để liên lạc với bộ phận kỹ thuật xử lý sự cố hoặc lực lượng cứu hộ.
Không nên cố mở cửa thang máy để thoát ra ngoài vì rất có thể sẽ làm hư hỏng thêm hệ thống điều khiển thang máy hoặc thang dừng ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng nên khi bước ra ngoài có thể bị hụt hoặc tụt xuống giếng thang, nguy hiểm đến tính mạng.
“Trường hợp bị kẹt trong thang máy mà không mang điện thoại và thang máy bị mất điện, hãy dùng tay hoặc lấy giày, dép đập vào cửa thang để ra hiệu. Không nên đập quá mạnh hay đạp vào thành hoặc cửa thang máy khiến thang có thể bị trượt, đứt cáp tời, dẫn đến sự cố thang bị rơi tự do”, Công an TP Thủ Đức lưu ý thêm.
Cũng theo Công an TP Thủ Đức, người dân có thể dùng vật cứng như chìa khóa lách vào cửa thang máy để tạo khe hở cho không khí sạch tràn vào buồng thang, giúp mọi người dễ thở hơn.
Trong khi chờ đợi sự trợ giúp, người bị mắc kẹt không nên tìm cách thoát ra ngoài qua đường nóc thang vì rất dễ trượt ngã dẫn đến chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang rất nguy hiểm.
Trong trường hợp phát hiện thang máy có dấu hiệu sắp bị rơi tự do, ngay lập tức nên hạ thấp trọng tâm cơ thể bằng cách ngồi thấp xuống mặt sàn, tay giữ chặt vào tay vịn trong buồng cabin thang máy.
“Vì với tư thế này thì có thể hạn chế được sự va đập giữa cơ thể với buồng thang máy và những người trong thang máy, giảm thiểu chấn thương có thể xảy ra”, Công an khuyến cáo.