Theo thông tin trên VTC News, lúc 7h ngày 19/11 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giảm về 73,171 USD/thùng, tương đương giảm 4,55%, giá dầu Brent giảm còn 77,650 USD/thùng, tương đương giảm 4,35% so với phiên giao dịch trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu thô WTI đã giảm 9,77%, giá dầu Brent giảm 11,76%.
Với mức giá dầu thô WTI ở mức 73 USD/thùng và giá dầu Brent cũng giao dịch ở 77 USD/thùng, đây được ghi nhận là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2023.
Đà giảm của giá dầu thế giới ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước được tham chiếu theo giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore. Vì thế, giá cơ sở xăng dầu để tính tại phiên điều chỉnh ngày 21/11 vẫn còn những diễn biến trái chiều nhưng xu hướng chung vẫn giảm.
Cụ thể, theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng RON 95 có thể giảm 50 đồng/lít, xăng E5 RON 92 dự báo giảm 100 đồng/lít; giá dầu DO dự báo giảm từ 400 - 450 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh ngày 21/11 tới.
Dù vậy, việc tăng giảm của giá xăng dầu còn phụ thuộc vào việc nhà điều hành sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu ngày 19/11 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 13/11 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 340 đồng/lít, về mức 22.274 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 399 đồng/lít, không cao hơn 23.530 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 1.052 đồng/lít, không cao hơn 20.888 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 793 đồng/lít, không cao hơn 21.512 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 617 đồng/kg, không cao hơn 15.623 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 32 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 10 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Trong diễn biến liên quan, VietNamNet đưa tin ngày 17/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu.
Về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, Nghị định điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn thay vì chỉ từ 1 nguồn. Nghị định cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Ngoài ra, Nghị định bỏ bớt khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu, cụ thể bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.
XEM THÊM: Có 200 triệu gửi tiết kiệm ngân hàng, mỗi tháng lãi bao nhiêu?
Nghị định cũng bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời phân cấp cho sở công thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Nghị định bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.
Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15/8, ngày 15/2 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề, bao gồm: số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chỉ sử dụng trong kỳ báo cáo; tổng số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; tổng số tiền chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo; tiền lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ báo cáo; đồng thời, có trách nhiệm gửi kèm bản sao kê tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ báo cáo.
Theo Nghị định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chỉ sử dụng, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thì sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thời hạn tạm dừng là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy mức độ vi phạm.
Đinh Kim(T/h)