+Aa-
    Zalo

    Giả vờ hỏi mua xe máy, xin chạy thử rồi... "dông" mất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Giả vờ hỏi mua, hẹn gặp xem đồ, xin đi thử và kết cục là…mất hút là những thủ đoạn không mới của kẻ lừa đảo nhưng ngày càng nhiều người sập bẫy.

    (ĐSPL) - Chỉ cần vào bất cứ trang rao vặt nào trên mạng, người ta dễ dàng có được những thông tin về những món hàng có giá trị và kèm theo số điện thoại liên lạc của người bán. Giả vờ hỏi mua, hẹn gặp xem đồ, xin đi thử và…mất hút là những thủ đoạn không mới của kẻ lừa đảo nhưng ngày càng nhiều người sập bẫy.

    Mặc dù đã sau 3 tháng kể từ ngày bị kẻ xấu lừa lấy mất chiếc xe Exciter nhưng anh Trần Hữu N., phường Nam Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn còn vẻ hoảng hốt, anh N. nhớ lại : “Tôi có đứa em học ở Hà Nội, trong dịp nghỉ hè vừa rồi nó về và bày cho tôi cách rao bán chiếc xe Exciter trên mạng khi biết tôi có ý định đổi xe. Nó nói, chỉ cần chụp ảnh chiếc xe rồi để lại số điện thoại, người nào có nhu cầu là họ gọi điện cho mình ngay. Thấy có vẻ hợp lý nên tôi đăng tin rao vặt ở trang Chợ tốt.

    Những thông tin rao vặt dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho bọn lừa đảo

    Vài ngày sau, có một nam thanh niên nói giọng miền Trung gọi điện cho tôi yêu cầu xem xe. Người này hẹn gặp tôi tại quán cà phê, tôi đồng ý. Khi đến nơi, tôi thấy một thanh niên ăn mặc chỉnh tề và hỏi han cụ thể về năm mua xe, rồi nơi đăng ký…tôi cũng thấy tin tưởng.

    Sau đó, khi chuẩn bị chốt giá, nam thanh niên này xin đi thử xe xem máy chạy có êm không tôi cũng không nghi ngờ gì. Nhưng khi đi đến quá ngã tư, không thấy nam thanh niên vòng xe lại, tôi bắt đầu thấy lo lắng, rồi không thấy bóng dáng hắn đâu nữa. Lúc này, tôi bắt đầu hô hoán lên mất xe thì đã muộn…”.

    Đây cũng là thủ đoạn mà kẻ lừa đảo đã sử dụng với hầu hết các nạn nhân. Nhưng anh N. là một trong số ít người may mắn tìm lại được chiếc xe của mình khi ngày 11/9, Phòng CSĐT về tội phạm trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ Nguyễn Văn Tùng (25 tuổi), trú thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Tùng là tên đã lừa chiếm đoạt chiếc xe máy trên cuả anh N.

    Tại CQĐT, Nguyễn Văn Tùng khai nhận thường lên mạng Internet vào trang Chotot.vn để liên hệ với những người có nhu cầu bán xe gắn máy. Sau đó, Tùng tự giới thiệu mình là khách hàng cần mua xe và hẹn người bán gặp nhau để thực hiện việc mua bán xe.

    Khi gặp người bán xe, Tùng xin chạy thử rồi chiếm đoạt luôn xe gắn máy của người bán. Sau khi chiếm đoạt được, Tùng đem xe thẳng vào các tiệm cầm đồ bán với giá rẻ hoặc đến các địa phương khác tiêu thụ. Chỉ trong thời gian ngắn, Tùng đã gây ra gần 10 vụ chiếm đoạt xe máy ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng…

    Thủ đoạn của bọn lừa đảo không mới và không chỉ xảy ra ở một số địa phương riêng lẻ mà xảy ra hầu như khắp cả nước. Phần lớn những người bị lừa đều không tìm ra được tài sản mà mình bị mất.

    Trước đó, một người đàn ông tên là Tú H. (Hà Nội) cũng kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội khi anh bị kẻ gian dùng thủ đoạn xin chạy thử xe rồi tẩu thoát mất hút. Theo anh H, do ít khi sử dụng nên anh để lại xe cho bạn dùng đi làm, đồng thời rao bán xe trên một trang mua bán online.

    Sau đó, có một người tự xưng tên là Tuấn, giả làm người quen của anh H. gọi điện cho người bạn đang giữ chiếc Ducati M400 để xin xem xe và chạy thử. Do chủ quan, người bạn của anh H. không gọi điện xác minh và để cho thanh niên tên Tuấn kia chạy thử mà không giữ lại bất kỳ giấy tờ tùy thân hay tài sản thế chấp nào. Khi đã được thử xe, tên Tuấn đã biến mất luôn cùng với chiếc xe.

    Tang vật thu được sau vụ án Nguyễn Văn Tùng lừa đảo qua trang rao vặt online

    Cũng vào khoảng tháng 3/2015, Công an tỉnh Quảng Nam đã triệt phá một nhóm cũng sử dụng các trang tin rao vặt để lừa đảo gồm: Trần Hữu Phước, Lê Bản Cường, Lê Nho Nhật (đều 19 tuổi) và Trần Tấn Vinh (20 tuổi), cùng trú huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

    Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận, vào tháng 7/2014, tên Vinh nhặt được một chứng minh thư nhân dân mang tên Huỳnh Tấn Vinh. Sau đó, Vinh dùng chứng minh thư nhân dân này đến mở tài khoản cá nhân tại phòng giao dịch của một ngân hàng ở thị trấn Nam Phước.

    Sau đó, Vinh cùng 3 đối tượng trên thay phiên nhau lên các trang mạng chuyên về mua bán xe và đưa thông tin giả mạo cần bán xe máy đã qua sử dụng, kèm theo số điện thoại của Vinh để liên hệ. Khi khách hàng có nhu cầu mua xe, nhóm Vinh yêu cầu đặt cọc tiền trước bằng cách chuyển tiền vào số tài khoản giả của Vinh. Rất nhiều người bị mắc lừa chuyển đặt cọc từ 1-8 triệu đồng, đã bị nhóm Vinh chiếm đoạt.

    Cũng với chiêu thức thông báo trúng thưởng, các đối tượng trên còn thông qua mạng xã hội Zalo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin. Trong đó, có nhiều người đã chuyển vào tài khoản của Vinh từ 20-30 triệu đồng. Trong thời gian từ tháng 7/2014 đến khi bị bắt, bằng các thủ đoạn trên, 4 đối tượng đã chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng từ rất nhiều nạn nhân trên toàn quốc.

    Theo ý kiến của một điều tra viên Công an tỉnh Quảng Bình, việc đăng tin qua mạng không có gì xấu, nhưng cơ bản người bán, người mua phải hết sức cảnh giác. Qua những vụ việc như trên cho thấy, phần lớn những người có nhu cầu bán đều mất cảnh giác cho nên tạo điều kiện cho kẻ gian thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, đối với việc giao dịch mua bán xe, để đảm bảo an toàn, khi người mua yêu cầu đi thử xe, người bán phải đi cùng, hoặc yêu cầu xem hàng mới tiến hành đặt cọc tiền để đề phòng kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.

    Xuân Hương

    [mecloud][mecloud]cVTbROhWzR[/mecloud][/mecloud]


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-vo-hoi-mua-xe-may-xin-chay-thu-roi-dong-mat-a113592.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.