Đơn vị quản lý tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông vừa lập 3 phương án giá vé để trình lãnh đạo thành phố phê duyệt.
“Hiện đơn vị đã trình UBND Hà Nội ba phương án giá vé cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó ưu tiên phương án 2 với bình quân hành khách đi khoảng 5-6 km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 37% (hiện vé lượt xe buýt thông thường tại nội đô Hà Nội là 7.000 đồng/lượt - PV), còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn hẳn…”, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến về đường sắt đô thị Hà Nội do UBND Hà Nội và báo Kinh Tế Đô Thị tổ chức ngày 26/9.
Ông Trường khẳng định giá vé tuyến đường sắt trên được TP trợ giá nên phù hợp với thu nhập người dân. “Đặc biệt, người dân đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu, không cào bằng như xe buýt", ông Trường nói và cho biết việc xây dựng chính sách giá vé đã được Hà Nội chuẩn bị trong vòng ba năm, có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến cao hơn giá xe buýt - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
"Với phương án vé trung bình, hành khách đi 4-5 km sẽ trả tiền vé 10.000 đồng, nếu đi cự ly ngắn thì giá vé sẽ giảm còn đi cự ly dài hơn thì tăng thêm", ông Trường nói.
Phương pháp xây dựng giá vé là có một mức giá cố định chung (giá mở cửa), sau đó cộng thêm tiền cho mỗi kilomet, theo nguyên tắc đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Mức giá vé lượt khác với giá vé tháng. Trong đó, vé tháng được tính theo thời gian thực, đủ 30 ngày, không tính theo thời gian từ đầu tháng đến cuối tháng theo lịch như xe buýt hiện nay.
Cũng theo ông Vũ Hồng Trường, với quãng đường 6,5 km, nhiều nước thường áp dụng giá vé metro mức thấp nhất là 0,8 USD (khoảng 18.000 đồng), cao nhất 2,2 USD (khoảng 50.000 đồng).
Metro Hà Nội đã khảo sát hơn 1.500 người dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kết quả đa số ý kiến chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30-37%; giá vé tháng cao hơn 15-20%. Ví dụ, giá xe buýt là 7.000 đồng thì vé đường sắt là 10.000 đồng.
Trước đó, từ 22/9, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được vận hành thử. Trong những ngày vận hành thử Tổng thầu Trung Quốcđã lập 5 đoàn tàu chạy liên tục dọc trên tuyến chính theo cả hai chiều. Mỗi đoàn tàu chạy cách nhau 10 phút và vận hành qua hệ thống điều khiển tự động.
Trong thời gian đầu chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới tham gia và đều là nhân lực thuộc Tổng thầu Trung Quốc. Đến giai đoạn hệ thống vận hành ổn định, Ban quản lý dự án sẽ từng bước đưa nhân sự Việt Nam vào để đào tạo thực hành.
Quỳnh Chi (T/h)