(ĐSPL) - Sau nhiều ngày giảm mạnh, giá vàng nước vẫn chưa có xu hướng ngừng lại. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tăng, thị trường bất động sản sôi động trở lại. Vậy người dân bên đầu tư vào đâu?
Giá vàng trượt dốc
Theo tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay, giá vàng SJC đang được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 34,30 triệu đồng/lượng (mua vào); 34,40 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng chiều mua vào.
Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI giữ niêm yết giá vàng SJC theo chiều mua – bán ở mức 34,36- 34,40 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chốt phiên chiều qua.
Còn tại Công ty vàng Phú Quý SJC, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 34,36 triệu đồng/lượng (mua vào) – 34,39 triệu đồng/lượng (bán ra), gairm 10.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua-bán so với chốt phiên chiều qua.
Sau nhiều ngày giảm mạnh, giá vàng nước vẫn chưa có xu hướng ngừng lại. |
Vàng thế giới giảm giá liên tiếp trong các phiên giao dịch gần đây, chạm đáy 5 năm do tình hình ảm đạm của khủng hoảng nợ tại Hy Lạp.
Trong phiên sáng 26/6, theo Kitconews, giá vàng Comex giao tháng 8 giảm mạnh xuống mức 1.172,10/ounce. Trong 3 năm qua, giá vàng “bốc hơi” trên 2.000 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá 21.830 VND/USD do Ngân hàng Vietcombank niêm yết, hiện giá vàng thế giới đang ở mức 31,4 triệu đồng/lượng (chưa tính các khoản thuế, phí). Như vậy, so với giá vàng SJC trong nước, giá vàng thế giới hiện vẫn thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích nhận định, kỳ vọng Cục Dực trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ đã đè nặng lên giá vàng trong năm nay. Vàng chủ yếu dao động trong phạm vi 1.160 USD đến 1.230 USD trong vòng 3 tháng qua.
Wall Street Journal (WSJ) cho hay, nhu cầu vàng được dự đoán sẽ giảm xuống ở Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu vàng dường như đang gia tăng ở Ấn Độ. Báo cáo cũng lưu ý rằng sự khác biệt giữa về nhu cầu vàng của hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này là không bình thường.
Theo truyền thống, khách hàng tại Ấn Độ và Trung Quốc sẽ mua vàng khi giá vàng giảm và có xu hướng bán tài sản này ra khi giá lên cao hơn. Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc đã bị thu hút hơn bởi thị trường chứng khoán, và điều này đã làm thay đổi lớn trong nguồn tiền vào thị trường kim loại quý.
[mecloud]v5xqvnWEtm[/mecloud]
Lãi suất tiền gửi tăng, thị trường bất động sản sôi động
Sau nhiều tháng liên tục đi xuống, lãi suất huy động tại các ngân hàng bắt đầu đảo chiều tăng hầu hết các kỳ hạn từ cuối tháng 5.
Mở đầu cho làn sóng tăng lãi suất là ACB khi nhà băng này quyết định điều chỉnh tăng 0,2\% tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6-36 tháng từ 25/5. Eximbank cũng nâng lãi suất 6 và 9 tháng thêm 0,2\%. Riêng kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng mạnh nhất, từ 5,8\% lên 6,2\% một năm. Tại HDBank, lãi suất các kỳ hạn tăng bình quân 0,3-0,5\%.
Đến nay, việc tăng lãi suất đã diễn ra ở hầu hết các ngân hàng, kể cả nhà băng có vốn Nhà nước chi phối. Theo đó, BIDV điều chỉnh tăng 0,2-0,5\% tuỳ kỳ hạn, còn Vietinbank tăng cao nhất là 0,3\%.
Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng cao nhất thị trường là 7,3\% một năm áp dụng tại Ngân hàng Xây dựng và Dầu khí Toàn cầu - cao hơn mặt bằng chung của các ngân hàng khoảng 0,7-1 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây không phải là phổ biến, mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm thêm 0,2-0,5\%/năm.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn là do trước đây, các ngân hàng này giảm sâu lãi suất huy động và hiện nay tăng lên ngang với mặt bằng chung. Còn lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng cơ bản vẫn ổn định.
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tăng, nhưng theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây không phải là phổ biến. |
Số liệu của NHNN cho thấy, lãi suất 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định. NHNN đã điều chỉnh giảm hợp lý lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng khoảng 0,5-0,6\%/năm, xuống mức 6,5-6,6\%/năm để hỗ trợ tốt hơn một số ngành lĩnh vực đặc thù và một số đối tượng chính sách.
Mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm tiếp tục giảm 0,2-0,3\%/năm so với cuối năm trước. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,2-0,5\%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,2-0,3\%/năm, hiện phổ biến ở mức 6-9\%/năm đối với ngắn hạn, 9-11\%/năm đối với trung, dài hạn.
Phó Thống đốc khẳng định, lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn sẽ ổn định như hiện nay. Phụ thuộc cung cầu thị trường, NHNN sẽ có động thái bơm hút kịp thời, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD nhưng đặt trong mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ mà NHNN đề ra từ đầu năm.
Trong khi đó, thị trường bất động sản (BĐS) gần đây cũng được nhiều tổ chức, đơn vị tư vấn và CTCK đánh giá giao dịch sôi động hơn do nguồn hàng cung nhiều và giá tương đối hấp dẫn. Ở một số mảng như căn hộ giá trung bình và có thể vay được vốn từ gói 30 nghìn tỷ đồng thậm chí còn phát sinh chênh lệch giá tới cả trăm triệu đồng. Mảng biệt thự liền kề ở một số nơi cũng có dấu hiệu ấm lên.
Thị trường BĐS gần đây cũng được nhiều tổ chức, đơn vị tư vấn và CTCK đánh giá giao dịch sôi động hơn do nguồn hàng cung nhiều và giá tương đối hấp dẫn. |
Bỏ tiền giỏ nào?
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng cho BĐS, tính đến cuối tháng 5 gần 11\%, chiếm 8,3\% trong tỷ trọng tín dụng và cao hơn khoảng 3\% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn tín dụng tăng khá ấn tượng và nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng mua nhà, hiện tượng thị trường BĐS ấm lên là dễ hình dung.
Mới đây, Giám đốc đầu tư quỹ Asean Deep Value Fund, ông David O’Neil nhận định, giá giá BĐS sẽ gấp đôi từ nay đến năm 2020. Thị trường BĐS đang có sự phục hồi rõ nét qua tỷ lệ giao dịch thành công tăng mạnh và tồn kho BĐS giảm.
Trong báo cáo chiến lược 2015 của VCSC, CTCK này cũng cho rằng thị trường BĐS năm nay sẽ có triển vọng tích cực nhờ các chính sách nới lỏng tín dụng, người nước ngoài được phép mua nhà và tốc độ phát triển hạ tầng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Hồng cũng cho biết cho biết, tín dụng BĐS hiện tập trung vào các dự án dở dang, đang hoàn thiện… để bán và cho thuê, phục vụ nhu cầu thật của người dân về nhà ở, thay vì đầu cơ cho BĐS như trước đây. NHNN có biện pháp kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực BĐS và sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới.
TTCK cũng là một kênh được đánh giá tương đối hấp dẫn. Chuyên gia O’Neil cho rằng VN-Index sẽ vượt mốc 650 điểm và đến năm 2020, chỉ số này sẽ tiếp tục vượt đỉnh 1.100 điểm của năm 2007.
Trái ngược, vàng được dự báo có thể còn giảm tiếp do khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9, tháng 12 hoặc sang đầu năm 2016 là gần như chắc chắn. Nhu cầu vàng vật chất tại châu Á, trong đó có Ấn Độ, Trung quốc và Việt Nam suy giảm cũng là yếu tố có thể kéo giá vàng đi xuống. Bên cạnh đó, tâm lý lạc quan về tình hình Hy Lạp cũng là kéo chứng khoán châu Âu đi lên, vàng đi xuống.
Đồng USD được dự báo sẽ tăng giá so với euro và một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Tuy nhiên, so với đồng VND, nhiều khả năng đồng bạc xanh sẽ không tăng mạnh.
Trong khi đó, gần đây, một số NH lớn vốn trước đây để lãi suất huy động ở mức thấp hơn mặt bằng chung giờ đây nâng lãi suất trở lại và tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng đạt 4,37\% trong 5,5 tháng đầu năm cho thấy vị thế của đồng VND.
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, nhiều người có tiền gặp khó khá nhiều khó khăn trong quyết định đầu tư làm sao có lời cao do hầu hết các kênh đầu tư truyền thống tại Việt Nam như vàng, chứng khoán, BĐS vẫn chưa có xu hướng tích cực rõ ràng. Tuy nhiên, chưa hẳn là tín hiệu xấu bởi dòng tiền đang có dấu hiệu chảy mạnh vào sản xuất. Chỉ số quản lý hàng mua PMI được HSBC công bố gần đây ở mức cao nhất trong 4 năm qua.
Ngọc Anh (Tổng hợp)