Theo Tiền Phong, chốt phiên giao dịch cuối ngày 24/5 (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.332,77 USD/ounce khi chỉ số USD giảm 0,4%. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.334,50 USD/ounce.
Mức tăng trên không đáng kể so với giá kỷ lục 2.449,89 USD/ounce ngày 20/5. Hiện, giá vàng giảm hơn 100 USD/ounce so với lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại. Trong tuần qua, giá vàng giảm đến 3%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua, theo Reuters.
"Giới đầu tư không chắc chắc thời điểm Fed cắt giảm lãi suất. Chỉ khi Fed thông qua điều đó, vàng mới tăng trở lại", Michael Widmer - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kim loại của Bank of America - nói với Reuters.
Ông Michael Widmer nhận định xu hướng mua vàng của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng chững lại trong nửa cuối năm nay. Nguyên do chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong biên bản họp ngày 22/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy con đường đạt lạm phát 2% của ngân hàng trung ương mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Điều đó khiến giới đầu tư nghi ngờ khả năng Fed cắt giảm lãi suất. Từ con số 72%, CME FedWatch Tool hiện đưa ra khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11 là 63%.
Bạc giao ngay tăng 0,5% lên 30,25 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,8% lên 1.027,25 USD/ounce, trong khi palladin giảm 0,7% xuống 962,50 USD/ounce. Cả ba kim loại hướng tới mức thua lỗ hàng tuần.
"Giọng điệu diều hâu trong cuộc họp tháng 5 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách không tự tin cắt giảm lãi suất. Điều này thúc đẩy trái phiếu kho bạc và đồng USD tăng cao, vàng mất giá", ông Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại công ty tài chính Tastylive, chia sẻ với Reuters.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng giá vàng biến động mạnh một phần do xu hướng tích trữ vàng của Trung Quốc. "Dù việc tích trữ giảm xuống còn 9% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn đặt nặng việc tích trữ vàng", ông Spivak nói thêm.
Một nguyên nhân khác là mới đây S&P Global đã công bố chỉ số giá sản xuất (PMI) của Mỹ trong tháng 5 lên cao nhất 2 năm. Số liệu này kéo giá USD lên cao, khiến vàng kém hấp dẫn.
Ngân hàng UBS gần đây cũng nâng dự báo kim loại quý có thể lên 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay. Ngân hàng này khuyến nghị mua vào khi giá ở mức 2.300 USD trở xuống. Nguyên nhân là số liệu kinh tế Mỹ yếu đi trong tháng 4, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng và bất ổn chính trị vẫn có thể còn tiếp diễn.
Trong khi đó, nhập khẩu vào Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có thể giảm gần 20% trong năm 2024 khi giá cao khiến nhu cầu mua mới trang sức của người dân giảm mạnh, theo Dân Trí.