Trước tình hình giá thịt lợn trên thị trường hiện tại vẫn ở mức cao, dù các doanh nghiệp đã hạ giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các địa phương “vào cuộc” kiểm soát.
Giữ thị trường thịt lợn bền vững
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt của đời sống, giá thịt lợn trên thị trường cũng không ngoại lệ.
Ngày 8/4, Thứ trưởng bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký công văn số 2456/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thực hiện các giải pháp để kiểm soát giá bán lợn thịt, thịt lợn.
Theo công văn, Thứ trường Phùng Đức Tiến cho biết, sau cuộc họp do Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với các Bộ, ngành và 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn ngày 30/3, tất cả 15 doanh nghiệp đã đồng loạt giảm giá bán lợn thịt xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi từ ngày 1/4/2020, có doanh nghiệp giảm giá bán xuống 65.000-67.000 đồng/kg lợn hơi.
Trước đó, ngày 30/3, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt sẽ ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại nước ta. “Việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý, không chỉ nhằm đảm bảo kìm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước, hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà căn bản hơn, điều này nhằm giữ được thị trường thịt lợn một cách bền vững...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tổng số lượng lợn thịt xuất chuồng của 15 doanh nghiệp chỉ chiếm 35-40%, còn lại do các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương cung cấp ra thị trường với giá dao động từ 73.000-78.000 đồng/kg lợn hơi, làm ảnh hưởng chung đến giá bán lợn thịt và thịt lợn.
Giá thịt lợn trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm |
Rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn
Nhằm tổ chức kiểm soát giá bán thịt lợn, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung các nguồn lực phòng, chống đại dịch Covid-19, bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền cơ sở các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn; đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi; tiến tới giảm xuống 65.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các địa phương đã hết bệnh dịch tả lợn châu Phi để tổ chức công bố hết dịch theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ NN&PTNT.
Chỉ đạo rà soát, chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; đồng thời đề nghị, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng,chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Ngoài ra, tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.
Theo thống kê của bộ NN&PTNT, chỉ tính 15 doanh nghiệp lớn, các điểm liên kết vệ tinh và các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ lệ hạt nhân trong cơ cấu ngành hàng, sản xuất con giống gần 100% đàn giống cụ kỵ, ông bà; 35-40% đàn giống bố mẹ; 50% đàn lợn thương phẩm và 50-55% sản lượng thức ăn công nghiệp của cả nước. Tốc độ tái đàn lợn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%.Đối với một số doanh nghiệp quy mô lớn như công ty CP Việt Nam có tổng đàn 310.000 lợn nái, có tốc độ tăng gấp 8 lần bình quân trung của cả nước; công ty Dabaco có tổng đàn 46.000 lợn nái, tăng 16% so với tháng 12/2019; công ty CJ có tổng đàn 85.000 lợn nái.Tính đến ngày 7/4, nhập khẩu hơn 43.553 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 24,62%, Đức 19,95%, Ba Lan 13,86%, Braxin 9,63%, Hoa Kỳ 8,08%, Tây Ban Nha 6,43%, Liên bang Nga (1.665 tấn) 3,82%. |
Thủy Tiên
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (59)