+Aa-
    Zalo

    Giá thịt heo tăng lên, Việt Nam có nhập khẩu thịt?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giá thịt heo leo thang, bộ Công Thương lên phương án nhập khẩu thịt heo để cung ứng cho dịp Tết Canh Tý 2020.

    Giá thịt heo leo thang, bộ Công Thương lên phương án nhập khẩu thịt heo để cung ứng cho dịp Tết Canh Tý 2020.

    Giá tăng...

    Theo tìm hiểu của PV, tại các tỉnh miền Bắc, giá heo hơi tại các tỉnh phía Bắc tăng mạnh. Cụ thể như Hưng Yên, Hà Nội, Lào Cai,... đều đạt mức 84.000 đồng/kg đến 87.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua, có nơi chạm mốc 91.000 đồng/kg.

    Chị Minh, một tiểu thương ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, giá thịt heo tăng cao, so với thời điểm một tháng trước, giá heo hơi đã tăng khoảng 10 giá, thịt heo mảnh cũng tăng theo. Như thời điểm hiện tại 1kg thịt ba chỉ giá dao động 150.000- 170.000 đồng/kg, các loại thịt mông, vai,... từ 125.000 đồng/kg đến 135.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước.

    Nhiều tiểu thương cho hay, trái ngược với năm trước, nếu như trước Tết năm ngoái lượng khách mua nhiều thì năm nay mọi người lại hạn chế ăn vì giá quá cao. Lượng mua rất chậm, dù đang là thời gian cao điểm mua sắm trong năm.

    Tại siêu thị, thịt ba chỉ đang được niêm yết với giá phổ biến là 184.900 đồng/kg, nạc vai heo có giá 174.900 đồng/kg, sườn non loại 1 có giá 199.900 đồng/kg. Còn tại chuỗi cửa hàng thịt Meat Deli, thịt ba chỉ được niêm yết với giá 186.900 đồng/kg, thịt vai 130.900 đồng/kg, thịt đùi 125.900 đồng/kg.

    Giá thịt heo tăng lên khiến tiểu thương kinh doanh mặt hàng này ở các chợ cũng gặp khó vì sức mua yếu.

    Trao đổi với VTC News, đại diện ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết: "Mấy hôm nay lợn về chợ ít do giá cao, có thời điểm lên tới 90.000 - 91.000 đồng/kg đối với heo loại đẹp. Heo từ trong miền Nam ra cũng hạn chế hơn vì mức độ chênh lệch về giá không quá lớn nên nhiều người đánh heo ra đều thua lỗ".

    Tại thị trường miền Trung, giá heo hơi tại các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình cũng đang ở mức 80.000 - 82.000 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá chung toàn miền ở mức 72.000 - 75.000 đồng/kg.

    Khu vực miền Nam đang có mức giá tiệm cận với miền Bắc sau một thời gian dài chênh lệch. Tại thủ phủ nuôi heo Đồng Nai đang được thu mua quanh mức 83.000 - 85.000 đồng/kg, khu vực TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước... nằm trong khoảng 75.000 - 78.000 đồng/kg.

    Đề xuất giải pháp bình ổn giá

    Theo tìm hiểu của PV, nhiều ngày qua giá lợn hơi ở TP.HCM tăng cao, nhiều doanh nghiệp bình ổn thị trường đang đề xuất phương án tăng giá bán, đặc biệt là từ nay tới cuối năm. Hiện tại thị trường tự do, giá lợn hơi đã tiến sát 90.000đ/kg và tăng từng ngày nên việc bình ổn thị trường cũng nhiều bất cập. Hiện các doanh nghiệp đang chờ chấp thuận tăng giá thịt lợn bình ổn từ sở Tài chính TP.HCM.

    Được biết, do giá heo tăng mạnh từ nguồn cho đến chợ, sáng 12/12, sở Công Thương TP.HCM đã họp với 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn để nắm rõ thêm tình hình và có biện pháp ổn định giá cả hiện nay cũng như thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Giá heo hiện nay của công ty CP Chăn Nuôi C.P. Việt Nam (gọi tắt CP) bán ra được thông báo là 77.000 đồng/kg. Nhưng với giá này, theo các thương lái là họ không bao giờ mua được. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng thừa nhận giá heo hơi mà chợ thông báo là dựa vào giá CP công bố, còn giá thị trường phải cao hơn 5.000 đồng.

    Người Lao Động ghi nhận, tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá heo hơi 77.000 đồng/kg (giá CP công bố), tăng 2.000 đồng so với ngày 10/12; giá thịt heo mảnh 115.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng; giá thịt heo pha lóc tăng từ 5.000- 10.000 đồng/kg. Lượng heo về chợ Bình Điền thời gian gần đây giảm từ 8%-13% tùy ngày, còn chợ Hóc Môn bình thường có khoảng 400 tấn/ngày thì bình quân trong 2 tuần qua chỉ dao động từ 300 - 350 tấn/ngày, riêng ngày rằm tháng 11 âm lịch vừa qua, chỉ còn 280 tấn.

    Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, không phải quá lo lắng với việc này vì đây là sự điều tiết của thị trường. Chẳng hạn, các hợp đồng cung cấp thịt heo cho doanh nghiệp, bếp ăn tập thể được ký kết với giá ổn định có thời gian nhất định. Nay giá tăng cao nên buộc các đầu mối cung cấp đàm phán lại hợp đồng cũng như giảm lượng hàng để giảm lỗ, góp phần kéo sức tiêu thụ giảm theo.

    Theo tin từ tổ công tác bình ổn thị trường TP.HCM do sở Công Thương TP. dẫn đầu, đơn vị đã kiểm tra thực tế tại một số DN chủ lực cung ứng mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm về kế hoạch tổ chức cung ứng ra thị trường từ nay đến Tết nguyên đán. Kết quả cho thấy trừ mặt hàng thịt heo đang "sốt giá", còn các mặt hàng thịt gia cầm, trứng gia cầm và cả thịt heo đông lạnh, thịt mát nhập khẩu đều rất dồi dào.

    Liên quan đến giá lợn tăng cao, trong cuộc họp báo thường kỳ bộ Công Thương quý IV vừa diễn ra, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước cho biết: Sau khi bộ NNPT&NT báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm, bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đây là vấn đề được Bộ đặc biệt quan tâm không chỉ trước Tết, trong Tết mà còn sau Tết.

    Theo đó, bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 12 đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Thực hiện chỉ thị, bộ Công Thương đề nghị các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, phân phối chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để đủ phục vụ bà con trước, trong và sau Tết.

    Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ chỉ đạo sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, đưa ra những chỉ đạo kịp thời về nguồn cung. Với mục tiêu đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ chỉ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ những nguồn hàng có chất lượng. Ngoài ra, các Sở cũng cần có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu.

    “Hiện nay bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với bộ NN&PTNT đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt heo và có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta. Lượng thịt nhập khẩu này sẽ bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Việc nhập khẩu thịt heo sẽ minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, đại diện bộ Công Thương cho hay.

    N.Giang

    Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 51

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-thit-heo-tang-len-viet-nam-co-nhap-khau-thit-a305405.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan