Thị trường - Đầu tư

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0

Thứ Sáu, 10/05/2024 14:07:00 +07:00

(ĐS&PL) - Là một trong những nhà băng tiên phong trong việc triển khai tín dụng xanh, hiện OCB vẫn đang tích cực triển khai các chiến lược để thúc đẩy dòng vốn này.

Chuyển đổi xanh là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, được cụ thể hoá trong nhiều tuyên bố, văn bản của Chính phủ thời gian qua. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ quyết tâm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Để đạt tiêu chí này, theo ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 368-380 tỷ USD cho cả giai đoạn hay 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có vai trò rất lớn của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Theo các chuyên gia, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Để hiểu rõ hơn về việc chuyển đổi và phát triển hoạt động ngân hàng xanh, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Bình Nguyên – Giám đốc Chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) về vấn đề này.

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 1

Ông Ngô Bình Nguyên – Giám đốc Chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

PV: Theo ông, công cuộc phát triển tín dụng xanh trong ngân hàng hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Ông Ngô Bình Nguyên: Ngành ngân hàng với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Với chức năng cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã triển khai các chương trình như: Chủ động lồng ghép về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ; Xây dựng các giải pháp, chương trình trong hoạt động tín dụng và ngân hàng góp phần hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ đó, các ngân hàng trên toàn hệ thống đã và đang không ngừng xây dựng, ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, đề án, thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh. Và đây cũng là mục tiêu chiến lược của rất nhiều ngân hàng.

Tại OCB, hoạt động hướng đến ngân hàng xanh đã được đặt nền tảng từ rất sớm, đến nay được chúng tôi xây dựng thành chiến lược tổng thể cùng với sự đồng hành từ IFC, ngân hàng sẽ thực hiện những hành động cụ thể góp phần gia tăng hiệu quả, tốc độ chuyển đổi xanh; cung cấp các dịch vụ sản phẩm tài chính đến các bên liên quan. Thực hiện số hóa các hoạt động ngân hàng nhằm tăng chất lượng phục vụ, giảm thời gian xử lý hồ sơ, tiết kiệm giấy.

Thực hiện các giải pháp kỹ thuật (thiết bị tự động, cảm biến), chương trình truyền thông, sáng kiến ESG mục đích sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng (điện, nước); Nâng cấp, bổ sung nội dung các chương trình đào tạo nhầm nâng cao năng lực “xanh” cán bộ nhân viên để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, cùng nhiều hoạt động khác.

PV: Lãnh đạo OCB từng chia sẻ ngân hàng có chủ trương phát triển tín dụng xanh từ rất sớm, bắt đầu triển khai tín dụng xanh từ năm 2015. Xin ông cho biết sau hơn 8 năm thực hiện, chương trình tín dụng xanh của OCB đã đạt được những thành tựu đáng chú ý nào?

Ông Ngô Bình Nguyên: Các hoạt động hướng đến ngân hàng xanh đã được OCB đặt nền tảng từ rất sớm, chính sách quản lý rủi ro MT&XH với sự tư vấn của IFC cũng được ban hành từ năm 2012, qua đó, chương trình tín dụng xanh hướng đến lĩnh vực kinh doanh bền vững được ngân hàng triển khai vào năm 2015.

Tính đến nay, chương trình đã có sự tăng trưởng tích cực về quy mô nguồn vốn, với sự trợ lực từ các tổ chức định chế tài chính quốc tế như: IFC, ADB, DEG, OCB đã không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với những dự án phát triển bền vững trong các lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện.

Ngân hàng OCB đã được IFC trao tặng giải thưởng "Ngân hàng dẫn đầu về tài chính khí hậu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương" trong hai năm liên tiếp, ở cả 3 hạng mục: Giảm thiểu phát thải khí nhà kính ước tính cao nhất; Số tiền giải ngân các khoản vay thân thiện khí hậu cao nhất và Số lượng khoản vay thân thiện khí hậu nhiều nhất được báo cáo trên CAFI (Climate Assessment for Financial Institutions).

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 2

Ngân hàng OCB đã được IFC trao tặng giải thưởng "Ngân hàng dẫn đầu về tài chính khí hậu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương" trong hai năm liên tiếp.

PV: Trong những năm qua, OCB áp dụng chiến lược gì để triển khai các chính sách thúc đẩy mục tiêu tín dụng xanh? Hiện quy mô tín dụng xanh trên tổng dư nợ tại OCB đang là bao nhiêu?

Ông Ngô Bình Nguyên: Để thúc đẩy mục tiêu tín dụng xanh, OCB đã xây dựng chiến lược rất rõ ràng và từng bước triển khai chiến lược trong từng hoạt động kinh doanh. Cụ thể, năm 2012, OCB đã ban hành Chính sách quản lý rủi ro MT&XH với sự tư vấn của IFC, từ đó ngân hàng đã đưa nội dung này vào hoạt động thẩm định, xem xét trước khi cấp tín dụng cho khách hàng. Việc đánh giá rủi ro MT&XH được thực hiện ngay từ khi tiếp xúc khách hàng, đánh giá nhu cầu ban đầu và quá trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng.

Mới đây, ngày 2/4, OCB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả cho ngân hàng, khách hàng, xã hội. Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Hiện tại, OCB đang xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng cụ thể cho những dự án tài chính vi mô như: sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay phát triển điện mặt trời áp mái… để đảm bảo sự đồng bộ trong thủ tục, nhanh chóng trong thời gian xét duyệt và giải ngân.

Chúng tôi sẽ được áp dụng chương trình phê duyệt tín dụng đặc thù với tốc độ xử lý hồ sơ ưu tiên và lãi suất ưu đãi cho khách hàng tiếp cận tín dụng xanh. Với dự án lớn, ngân hàng sẽ ưu tiên về nguồn lực để tập trung đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ cho khách hàng nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án của chủ đầu tư.

Như các doanh nghiệp đang tiến hành làm dự án điện có quy mô tầm 10 MW trở lên thì thời gian làm sẽ từ 2 tuần; nhưng với dự án điện áp mái  dưới 1MW thì khoảng tầm 3 ngày là hoàn tất thủ tục.

Bên cạnh đó, để thực hiện tín dụng xanh thì ngân hàng cũng cần được “xanh hóa” trong các hoạt động quản lý nội bộ, hiện chúng tôi đang ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng,số hóa toàn bộ quy trình, khuyến khích trao đổi trực tuyến... nhằm giảm thiểu các hoạt động liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm và tiêu thụ năng lượng.

Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn hàng.

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 3

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0

Chuyển đổi, phát triển Ngân hàng xanh là một yêu cầu tất yếu và rất cần nguồn nhân sự có trình độ chuyên môn cao, đây được xem là yếu tố hàng đầu, mang tính quyết định khi thực hiện.

Ông Ngô Bình Nguyên – Giám đốc Vận hành Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

PV: Hồi tháng 3, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation) đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 150 triệu USD cho vay danh mục bền vững dành cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Trước đó, vào đầu năm 2023, IFC cũng đã phê duyệt cung cấp cho OCB khoản vay 100 triệu USD cũng có kỳ hạn 5 năm với mức lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ phát triển danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế để phát triển tài chính xanh, đã giúp OCB cụ thể hóa được những mục tiêu nào, thưa ông?

Ông Ngô Bình Nguyên: Với sự trợ lực từ các tổ chức định chế tài chính quốc tế, OCB đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình cho nhóm khách hàng SME nói chung, các doanh nghiệp SME hoạt động trong lĩnh vực xanh nói riêng. Tháng 5/2023, OCB đã nhận khoản vay trị giá 100 triệu USD, kỳ hạn 5 năm từ IFC, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lãi suất ưu đãi, phục vụ đầu tư và phát triển sản xuất – kinh doanh.

Tháng 8/2023, OCB tiếp tục nhận thêm khoản vay 55 triệu USD, kỳ hạn 5 năm từ DEG với mục đích tài trợ các doanh nghiệp SME, trong đó 50% vốn được sử dụng để tài trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (Women – SME).

Với thông tin từ IFC, dự kiến năm nay chúng tôi sẽ nhận thêm 150 triệu USD cho vay danh mục bền vững, mục đích tài trợ cho cho các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bền vững xã hội, ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, góp phần đưa OCB từng bước trở thành ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, giúp xanh hóa khu vực tài chính, thúc đẩy tăng trưởng cơ hội kinh doanh, tạo thêm việc làm,  và nâng cao mức sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Song song đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện rà soát danh mục khách hàng vay vốn hiện hữu, chủ động xem xét giảm phí giao dịch đối với khách hàng hoạt động kinh doanh trong một số ngành nghề đặc thù liên quan đến lĩnh vực năng lượng, điện gió…

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 4
Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 5
Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 6

Các hoạt động hướng đến ngân hàng xanh đã được OCB đặt nền tảng từ rất sớm.

PV: Để được IFC tài trợ vốn, ngân hàng OCB đã phải tuân thủ những tiêu chí, cam kết nào, thưa ông?

Ông Ngô Bình Nguyên: Việc liên tục đón dòng vốn ngoại của các tổ chức định chế tài chính quốc tế nói chung và IFC nói riêng đã khẳng định năng lực, "sức khỏe" tài chính về an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản, và giá trị tín nhiệm của OCB trên thị trường tài chính quốc tế.

Ngân hàng đã phải trải qua quá trình thẩm định theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế. đáp ứng về chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro vững chắc, nhằm đảm bảo quá trình sử dụng vốn an toàn, minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, trong suốt quá trình duy trì khoản vay, ngân hàng phải nghiêm túc tuân thủ cam kết các chỉ số tài chính về an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản, kiểm soát rủi ro lãi suất, ngoại hối, tín dụng và sử dụng vốn vay luôn đúng mục đích cam kết..

Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 7
Gia tăng tốc độ chuyển đổi xanh để bứt phá trong cuộc đua 4.0 - 8

OCB hiện đã và đang triển khai chiến lược đào tạo nhân sự, thông qua các khóa học, workshop liên quan đến chính sách MT&XH, tín dụng xanh cho CBNV trên toàn hệ thống.

PV: Những năm qua, OCB đã thực hiện những hoạt động gì để đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cho nhân viên ngân hàng về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh?

Ông Ngô Bình Nguyên: Chuyển đổi, phát triển Ngân hàng xanh là một yêu cầu tất yếu và rất cần nguồn nhân sự có trình độ chuyên môn cao, đây được xem là yếu tố hàng đầu, mang tính quyết định khi thực hiện.

OCB hiện đã và đang triển khai chiến lược đào tạo nhân sự, thông qua các khóa học, workshop liên quan đến chính sách MT&XH, tín dụng xanh cho CBNV trên toàn hệ thống. Qua đó, đảm bảo việc CBNV hiểu đúng, đủ về quy trình cấp tín dụng xanh, nâng cao yếu tố an toàn môi trường, xã hội.

Ngân hàng cũng thường xuyên cử nhân sự tham gia đầy đủ các hội thảo, khóa đào tạo của NHNN để tăng cường nhận thức và phổ biến liên quan đến quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh nhằm đào tạo, phổ biến, truyền thông lại nội bộ để tiếp tục hoàn chỉnh về quy trình cấp tín dụng, hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, từ 2022, OCB đã triển khai dự án chuyển đổi số đào tạo - Elearning (SAP Litmos) với sự hợp tác của ba bên: ABeam Việt Nam, SAP và OCB. Dự án nhằm tối ưu hóa hoạt động đào tạo nội bộ, gia tăng trải nghiệm phong phú, đa dạng cho cán bộ nhân viên.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thanh Ngọc - Hiếu Nguyễn
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gia-tang-toc-o-chuyen-oi-xanh-e-but-pha-trong-cuoc-ua-4-0-a421679.html

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin liên quan
Ngân hàng OCB lý giải nguyên nhân lợi nhuận thay đổi

Ngân hàng OCB lý giải nguyên nhân lợi nhuận thay đổi

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 4.139 tỷ đồng. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng đến từ việc chi phí dự phòng tăng 501 tỷ đồng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.