(ĐSPL) - Giá sữa không giảm, thậm chí một số loại sữa còn "lặng lẽ" tăng giá trong khi giá sữa nguyên liệu giảm, điều này khiến người tiêu dùng bức xúc....
Lặng lẽ tăng giá
Thông tin trên váo VOV, chị Minh Anh ở Đê La Thành (Hà Nội) chia sẻ, chị thấy thông tin giá sữa nguyên liệu giảm nên rất mừng vì tưởng rằng sắp tới sẽ mua được sữa rẻ hơn. Tuy nhiên, gần 1 tháng đã trôi qua nhưng giá sữa trên thị trường không nhúc nhích. Thậm chí một số loại sữa còn bị đại lý nâng giá bán từ 3 - 10 nghìn đồng/hộp.
Đồng quan điểm với chị Minh Anh, chị Mai Hoa ở Hà Đông (Hà Nội), khách hàng “trung thành” của hãng Abbott bức xúc: “Tôi thường mua sữa Similac Gain IQ cho con dùng. Nhưng không hiểu sao từ tháng 8 đến nay, các đại lý tăng giá 70 nghìn đồng/hộp 1,7kg loại dành cho trẻ 1 - 3 tuổi trong khi giá sữa nguyên liệu lại giảm mạnh. Khi tôi thắc mắc vì sao giá sữa nguyên liệu giảm còn giá sữa của Abbott lại tăng thì các đại lý đều đưa ra lý do hãng tăng giá nên đại lý phải tăng theo”.
Trước những thông tin trên, phóng viên đã tiến hành khảo sát một số đại lý sữa. Tại các đại lý sữa trên phố Thái Thịnh, Thành Công, Giảng Võ, Tuệ Tĩnh giá các mặt hàng sữa như Nan (của Nga) số 1, 2, 3 loại 900g trước đây có giá 460.000 - 465.000 đồng/hộp thì hiện nay bán 480.000 đồng /hộp. Tương tự, giá sữa Physiolac 2,3 loại 900g trước đây có giá 349.000 - 369.000 đồng/hộp thì nay nhiều nơi bán với giá 370.000 - 373.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, tăng giá nhiều nhất là sản phẩm sữa Similac Gain IQ của hãng Abbott loại 1,7kg (tăng 60.000 - 70.000 đồng/hộp).
Trước đây, giá loại sữa này được các đại lý bán 680.000 đồng/hộp. Hiện nay, có giá 745.000 - 750.000 đồng/hộp. Tại một số công ty bán hàng online vẫn báo giá 680.000 - 690.000 đồng/hộp, nhưng khi chúng tôi liên hệ hỏi giá thì nhân viên cho biết hiện đã hết hàng và giá đấy là giá cũ chưa sửa.
Liên hệ với Abbott, chúng tôi được nhân viên tổng đài cho biết: “Công ty không hề tăng giá bán sản phẩm. Nhưng có thể nhà phân phối đã tăng giá bán hoặc đại lý tự tăng giá bán”. Để có câu trả lời cụ thể, phóng viên đã liên hệ với nhà phân phối Abbott, Dutch Lady và một số hãng sữa khác. Tuy nhiên, phóng viên không nhận được phản hồi.
Giá sữa không giảm, thậm chí một số loại sữa còn "lặng lẽ" tăng giá trong khi giá sữa nguyên liệu giảm, điều này khiến người tiêu dùng bức xúc.... |
Bộ tài chính lên tiếng
Trước một số ý kiến cho rằng giá sữa trong nước giảm chậm hơn nhiều so với giá thế giới, Bộ Tài chính đã lý giải nguyên nhân.
Theo cơ quan quản lý này, giá bán thành phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong nước hiện nay được cung cấp từ hai nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập khẩu thành phẩm. Giá sữa sản xuất trong nước chịu tác động của giá nguyên liệu sữa thế giới, các chi phí đầu vào của sản xuất trong nước (chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, bán hàng, nhân công...); giá sữa nhập khẩu thành phẩm chịu tác động của giá nhập khẩu thành phẩm và các chi phí phân phối sản phẩm.
Giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện nay ổn định do nguồn nguyên liệu. Cụ thể, qua theo dõi, cập nhật thông tin giá (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Công Thương) giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, Châu Úc cho thấy, giá loại nguyên liệu này tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm, từ tháng 4 đến nay giá loại nguyên liệu tại hai thị trường này có xu hướng giảm khoảng 20\%. Tuy nhiên, mức giá nguyên liệu giảm trên là mức giá chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.
Cập nhật số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các công ty, doanh nghiệp từ tháng 6/2014 đến nay ổn định.
Về nguồn sản xuất trong nước, nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam của các công ty trong nước gồm nhiều loại (bột Whey, bột váng sữa, đường lactose, sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem…) được nhập từ trên 25 quốc gia. Các nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam qua số liệu của cơ quan hải quan và thông tin của doanh nghiệp cho thấy, nguyên liệu nhập khẩu không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các công ty sản xuất các mặt hàng khác của công ty như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho đối tượng khác như phụ nữ mang bầu, người già… Đối với giá nguyên liệu nhập khẩu dùng trong việc sản xuất sữa, có loại giảm, có loại tăng, xu hướng không rõ ràng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, các loại nguyên liệu sữa (chiếm khoảng 40-45\% giá bán, trong đó loại sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem trong tùy loại sản phẩm sữa chiếm khoảng 20-25\% giá bán). Bên cạnh đó, mặt hàng sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố gây tác động tăng giá như: Yếu tố lương tối thiểu vùng; tỷ giá; chi phí quảng cáo, khuyến mại; giá điện.
Bộ Tài chính cho hay, thực hiện biện pháp bình ổn giá trong thời gian vừa qua, các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm 0,1-34\% (phổ biến giảm từ 15-20\%). Đối với các sản phẩm mới ra thị trường, cơ quan quản lý phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên thực hiện rà soát, kiểm tra việc xác định giá tối đa, kê khai giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; yêu cầu các tổ chức, các nhân tính toán, phân bổ chi phí hợp lý theo hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá phải thực hiện việc xác định giá tối đa. Việc xác định giá tối đa phải thực hiện theo 2 bước là: Các tổ chức phải xác định các khoản chi phí trong cơ cấu giá sản phẩm theo quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính đã ban hành; sau khi xác định theo quy định trên, tổ chức, cá nhân phải thực hiện so sánh với sản phẩm tương quan (sản phẩm đã được xác định giá tối đa) để xác định mức giá tối đa cho sản phẩm của mình chuẩn bị đưa ra thị trường. Mức giá tối đa tại bước này tiết giảm so với bước 1 khoảng từ 5-10\%.
“Như vậy, các sản phẩm sản xuất trong nước từ nguyên liệu nhập khẩu thời gian vừa qua có thời điểm giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, có thời điểm giảm; giá nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối ổn định từ tháng 6/2014 đến nay và các yếu tố tác động tăng như trên dẫn đến việc giảm giá nguyên liệu thế giới tác động đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể”, Bộ Tài chính lý giải.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện bình ổn giá, cũng có thời điểm thị trường hình thành các chi phí đẩy dẫn đến các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá, song cơ quan quản lý giá đã đề nghị doanh nghiệp phải điều tiết chi phí, giữ bình ổn giá. “Nhờ vậy, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có được một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua, và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường” cơ quan quản lý này cho hay.
Ngọc Anh (Tổng hợp)