Với sự nỗ lực cá nhân, chị Rơ Lan H’BLơn nhiều lần được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở và là Chiến sỹ thi đua toàn quân.
Theo Tiền phong, năm 2008, chị H’BLơn (người tộc Ja Rai, Gia Lai) được Công ty 74 tuyển dụng vào làm công nhân khai thác mủ cao su.
Nhờ chăm chỉ làm lụng và đặc biệt là ham học hỏi kiến thức mới, giờ đây không chỉ giỏi việc công ty, vợ chồng chị H’BLơn còn đầu tư, chăm sóc 200 cây điều, 500 cây cà phê, 500 cây cao su của gia đình.
Lương bình quân của công nhân được 6,5 triệu/tháng, mỗi năm gia đình chị H’BLơn thu nhập thêm từ nương rẫy hơn 150 triệu đồng.
Chị Rơ Lan H’BLơn là công nhân khai thác mủ cao su Đội 9, Công ty 74, Binh đoàn 15 Ảnh: Tiền phong |
Năm 2016, chị vinh dự được kết nạp Đảng, được chị em bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ. Khi đã là thợ giỏi, chị cùng các thợ cạo lành nghề thường xuyên hướng dẫn bà con cạo mủ cao su.
Nhờ chăm chỉ, có tay nghề giỏi và am hiểu tiếng dân tộc, hằng năm chị được làm trợ giáo để đào tạo mới và đào tạo lại cho công nhân, nhất là lao động người dân tộc thiểu số địa phương. Do vậy, sản lượng mủ cao su hằng năm đều vượt kế hoạch giao từ 10-20%, có năm vượt 34%.
Không những vận động chị em trong Hội phụ nữ mà chị còn tự nguyện cùng bộ đội đi vận động dân làng theo Binh đoàn làm công nhân. Cũng nhờ tình cảm gắn bó ấy mà nhiều hộ dân trong làng kết nghĩa với hộ người Kinh là công nhân của Binh đoàn.
Bà con được học cái hay, cái đúng, cái mới, tích cực làm theo bộ đội. Từ cuộc sống cơ cực, nhiều người đã xây được nhà to, sắm xe máy, có tiền để cho con cái đi học đầy đủ, không nghèo như trước nữa.
Với sự nỗ lực cá nhân, chị Rơ Lan H’BLơn nhiều lần là Chiến sỹ thi đua cơ sở và là Chiến sỹ thi đua toàn quân. Năm 2018, chị là đại biểu dự Đại hội Công đoàn toàn quân nhiệm kỳ 2018-2023 và được báo cáo thành tích với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Còn theo Đảng Cộng sản, là người từng giữ chức Chi hội trưởng Hội Nông dân, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn và là người có uy tín, ông K’Đơn (ở thôn Lăng Kú, xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu các tài liệu, sách báo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Với 3ha đất sản xuất, một phần diện tích trồng chè, còn lại là cà phê, đến nay gia đình ông K’Đơn đã chuyển đổi toàn bộ diện tích giống cũ sang trồng giống cà phê TR4 xanh lùn, bằng hình thức ghép chồi và tái canh; đồng thời trồng xen khoảng 150 cây mắc ca.
Ông chia sẻ: “Làm cà phê quan trọng nhất là quy trình chăm sóc. Do được áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc nên những năm gần đây năng suất cà phê của gia đình tăng lên, bình quân sản lượng đạt 12 tấn cà phê nhân/năm. Những gì làm được, tôi đều chia sẻ kinh nghiệm và vận động bà con trong thôn làm theo”.
Ông K’Đơn cho biết thêm, trước đây thôn Lăng Kú thuộc diện nghèo của xã được hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Toàn thôn hiện có 198 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều mà ông mừng nhất hiện nay là nhận thức của bà con từng bước được nâng cao. Sau khi Đảng, Nhà nước có Chương trình 30a giảm nghèo nhanh và bền vững, đầu tư phát triển kinh tế ở các thôn nghèo, xã nghèo... bà con không chỉ được hỗ trợ phân bón, các nông cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi... mà còn được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất.
Đến nay, bà con đã chủ động trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cuộc sống bớt nghèo khó và có “của ăn, của để”. Hiện toàn thôn chỉ còn vài hộ nghèo.
Vũ Đậu(T/h)