+Aa-
    Zalo

    Đình Lập (Lạng Sơn):Hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đình Lập là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh được thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, huyện đã tập trung....

    Đình Lập là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh được thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo nền tảng để bứt phá vươn lên.

    Để công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, thoát nghèo đạt hiệu quả, huyện đã rà soát tình hình thực tế, nhu cầu của người dân các xã, thôn, để xây dựng kế hoạch hỗ trợ vốn sản xuất, đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, cải thiện nhà ở cho người dân sao cho hiệu quả, sát thực tế nhất. Đồng thời, có những chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông - lâm sản tại địa phương; giúp bà con tiếp cận đầy đủ các chính sách về tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...Mục tiêu là làm sao cho người dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

    Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, hàng loạt các chính sách đã được triển khai đồng bộ, các chương trình, dự án được hỗ trợ đầu tư sẽ lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với nguồn kinh phí từ chương trình 30a, thực hiện chương trình 135, huyện tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, để phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Trong năm 2019 huyện đã triển khai nhân rộng mô hình cây sa nhân, ba kích với diện tích 100ha đạt 100% kế hoạch và đạt 148,8% so với cùng kỳ

    Phát triển kinh tế từ cây Sa nhân tại Đình Lập

    Huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ cho phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2016 – 2018, huyện được hỗ trợ kinh phí 7.093 triệu đồng, theo đó, huyện đã phân bổ cho UBND các xã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho 7.831 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trên cơ sở nhu cầu của nhân dân như: phân đạm, phân lân; thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, huyện tập trung xây dựng 1 mô hình giảm nghèo chăn nuôi lợn thịt cho 20 hộ nghèo tại xã Cường Lợi.

    Cùng với đó, công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, bản theo chủ trương của tỉnh được các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai những năm qua. Cách làm này mang lại lợi ích kép, vừa đóng góp hết sức quan trọng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân địa phương sống gần rừng. Cơ chế hưởng lợi trong cộng đồng được xác lập rõ ràng kể từ khi chương trình triển khai, đã gắn quyền lợi và trách nhiệm của từng hộ gia đình đối với rừng. Từ khi giao cho các hộ dân và cộng đồng quản lý, công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên rừng được phổ biến rộng rãi. Các hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp đều trực tiếp sản xuất, sinh sống bằng nghề rừng. Từ đó, mở ra hướng sản xuất mới, đảm bảo thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân.

    Được biết, diện tích rừng thông của Đình Lập hiện có gần 49 nghìn héc – ta, còn diện tích rừng keo là gần 11 nghìn héc – ta. Hiện nay có khoảng 15 nghìn héc – ta thông cho khai thác, mỗi năm sản lượng nhựa người dân thu hoạch được trên 7.500 tấn, thu nhập từ 210 – 230 tỷ đồng. Còn đối với gỗ keo và gỗ thông, trung bình mỗi năm khai thác trên 4.600 m3 gỗ tròn (thu nhập trên 8 tỷ đồng) và trên 12 nghìn tấn gỗ băm dăm (thu nhập trên 12 tỷ đồng). Nhận thấy lợi ích từ rừng, hiện phong trào trồng rừng ở Đình Lập đang phát triển mạnh, mỗi năm, bà con trồng mới hơn 1.200 ha rừng. Thu nhập từ rừng đã giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Theo số liệu rà soát, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện khoảng 33%, năm 2018 giảm xuống còn 29,45%; năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 17,64%.

    Người dân thôn Còn Áng, xã Đình Lập, huyện Đình Lập khai thác nhựa thông

    Việc triển khai hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135 kết hợp với nguồn lực từ các chương trình, chính sách khác có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện cho các hộ nghèo đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, đặc biệt không ít hộ nghèo vươn lên thành hộ khá giả ở địa phương.

    Nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, huyện Đình Lập đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Từ các nguồn lực này, huyện tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình trên 5%/năm. Những nỗ lực của Đình Lập trong thực hiện công cuộc giảm nghèo đã đạt kết quả thiết thực, là động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn huyện tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt huyện nghèo, tạo ra những bứt phá mới trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

    Hà Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dinh-lap-lang-sonho-tro-phat-trien-san-xuat-de-giam-ngheo-ben-vung-a310439.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan